Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Đô thị thiếu đất cho phúc lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong khi nhiều dự án được giao đất nhưng chậm triển khai, chậm tiến độ thì ở các đô thị đang thiếu quỹ đất cho công trình phúc lợi.
Chính phủ vừa có báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 khóa XIV.
Theo đó, tổng diện tích đất đô thị (chỉ tính các phường, thị trấn và các đô thị mới) của cả nước là hơn 1,4 triệu ha (với 828 đô thị các loại), chiếm 4,35% tổng diện tích tự nhiên.
Báo cáo do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo nêu rõ trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, đất đô thị biến động khá lớn, cả nước tăng 81.453 ha (tăng 5,66%). Quỹ đất để phát triển đô thị chủ yếu được sử dụng từ đất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng đất tại đô thị còn một số bất cập, như cơ cấu sử dụng chưa hợp lý, tỉ lệ dành cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thấp khi chỉ chiếm hơn 11%. Đặc biệt, tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM xảy ra tình trạng thiếu đất cho phát triển các công trình phúc lợi công cộng như giáo dục, y tế, vui chơi, giải trí, giao thông tĩnh. Trong khi nhiều công trình, dự án được giao đất đã nhiều năm nhưng không sử dụng hoặc chậm tiến độ xây dựng, gây lãng phí đất.
 Một dự án chậm tiến độ ở TP Hà Nội
Một dự án chậm tiến độ ở TP Hà Nội
Chính phủ cũng đã đề cập việc quản lý đầu tư, phát triển đô thị mới, khu đô thị mới đã làm thay đổi diện mạo đô thị nhưng cũng còn không ít hạn chế. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 4.438 dự án đầu tư khu đô thị mới, nhà ở, tổng diện tích chiếm đất theo quy hoạch là 110.331 ha. Tuy nhiên, chính sách và quy định pháp luật về xây dựng phát triển khu đô thị mới chưa đầy đủ. Các địa phương chậm lập chương trình phát triển đô thị, một số dự án chưa tuân thủ quy hoạch, điều chỉnh tùy tiện. Đầu tư nhà ở thương mại không đồng bộ với đầu tư hạ tầng khu đô thị và giao thông kết nối với khu vực lân cận.
Tại TP HCM, từ năm 2012 đến 2017 đã phát hiện và xử lý 808 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 6.115 ha, hủy bỏ quyết định thu hồi đất và giao, cho thuê đất của 108 dự án với diện tích 1.552 ha. Riêng năm 2018 đã phát hiện 218 dự án chậm triển khai. Tại TP Hải Phòng, từ năm 2016 đến nay đã phát hiện 247 dự án chậm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích 2.219 ha.
Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận việc một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất để hoang hóa. Với một số dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (dự án BT), việc xác định giá trị công trình và giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán chưa phù hợp đã dẫn tới tình trạng thanh toán quỹ đất vượt giá trị công trình gây thất thoát cho ngân sách. Ngoài ra, cơ quan nhà nước chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất, một số nơi xảy ra tình trạng sốt đất gây ảnh hưởng môi trường đầu tư, khó khăn trong công tác quản lý. 
Thường xuyên phát sinh khiếu nại
Đất đai là lĩnh vực thường xuyên phát sinh khiếu nại, tố cáo. Chính phủ nhấn mạnh thời gian qua, tình trạng này đã giảm so với trước nhưng còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ khiếu nại kéo dài chưa giải quyết dứt điểm, làm ảnh hưởng trật tự an ninh xã hội. Từ năm 2014 đến 2018, cả nước phát sinh 342.710 đơn khiếu nại với 156.071 vụ việc. Qua giải quyết khiếu nại, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho tập thể, công dân 1.398 tỉ đồng, 772 ha đất, kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 1.538 người (đã xử lý 1.180 người), chuyển cơ quan điều tra 40 vụ, 36 đối tượng.
Minh Chiến (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm