Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ... là những TP đầu tiên phát triển đô thị thông minh (giao thông, y tế, giáo dục thông minh...). Tuy nhiên, những rào cản về hạ tầng dữ liệu, nguồn vốn, cơ chế chính sách... đang khiến mô hình này gặp khó khăn.
Hà Nội tiên phong trong phát triển đô thị thông minh NGỌC THẮNG |
Ngày 22.10, Ban Kinh tế T.Ư và Bộ Xây dựng đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh (ĐTTM) ASEAN 2020. Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho biết, phát triển ĐTTM là phương thức quan trọng để Việt Nam tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hướng tới phát triển bền vững cho mỗi quốc gia.
Tại Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Việt Nam xác định rõ xây dựng và phát triển ĐTTM là 1 trong 3 nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng này. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển ĐTTM bền vững là hết sức cần thiết.
“Việt Nam tin rằng quá trình phát triển ĐTTM không thể thành công nếu thiếu vắng sự tham gia chủ động và tích cực của mỗi công dân. Các đô thị chỉ thực sự thông minh khi giữ gìn và phát huy được bản sắc riêng của cộng đồng mình”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Vẫn còn manh mún
Theo dữ liệu tại diễn đàn, nhiều TP trên cả nước đã bắt đầu triển khai ĐTTM. Đơn cử, Hà Nội đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng, riêng ĐTTM đã đưa vào vận hành chính thức 81 dịch vụ công trực tuyến; xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân... Từ năm 2016, TP.HCM đã thành lập Ban Điều hành thực hiện đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM” với trọng tâm ưu tiên: xây dựng kho dữ liệu dùng chung; xây dựng trung tâm điều hành thông minh; thành lập trung tâm an toàn thông tin... Đà Nẵng, Cần Thơ, Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bình Dương cũng đang tích cực triển khai các đề án ĐTTM.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy vẫn còn tình trạng độc lập, manh mún; hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị chưa hoàn thành là một rào cản khá lớn; nhiều dự án được xây dựng chỉ để giải quyết một vấn đề riêng lẻ của một cơ quan quản lý mà ít có chia sẻ.
Đặc biệt, việc thiếu cơ chế chính sách về ĐTTM dẫn đến các địa phương khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực... Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, nguyên nhân nhiều địa phương còn có những cách hiểu chưa được toàn diện, thống nhất về một số lĩnh vực như về công nghệ thông tin, số hóa trong phát triển ĐTTM; chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện những hợp phần cần có để phát triển đồng bộ ĐTTM. Phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
“Trước vấn đề đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ nay đến năm 2025, Chính phủ sẽ hỗ trợ, tập trung các nguồn lực và hướng dẫn để xây dựng 6 ĐTTM đại diện cho 6 vùng kinh tế. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng phát triển toàn diện hệ thống ĐTTM tại Việt Nam”, ông Phạm Hồng Hà nói.
Lựa chọn trụ cột nào ?
Thực tiễn xây dựng và ứng dụng các giải pháp ĐTTM trên thế giới đã đem lại những hiệu quả tích cực về nhiều mặt. Như ứng dụng giao thông thông minh tại Stockholm (Thụy Điển) vào giờ cao điểm đã làm giảm lưu lượng giao thông 20%, giảm thời gian đi lại gần 50%, giảm phát khí thải 10%. Ứng dụng quản lý cấp nước thông minh ở Mumbai (Ấn Độ) giảm tỷ lệ nước thất thoát từ 50% (so với mức trung bình thế giới là 34%) xuống còn một nửa. Các giải pháp tòa nhà thông minh tại Mỹ tiết kiệm đến 30% lượng nước tiêu thụ, 40% năng lượng, giảm 10 - 30% tổng chi phí vận hành...
Về lựa chọn trụ cột, theo các chuyên gia, hầu hết các TP trên thế giới ưu tiên phát triển lĩnh vực giao thông thông minh, tiếp đến là năng lượng, theo sau là lĩnh vực cấp thoát nước. Barcelona (Tây Ban Nha) đã triển khai một hệ thống mạng lưới xe buýt mới dựa trên việc phân tích các luồng giao thông chính của TP để từ đó đưa ra hệ thống giao thông công cộng tối ưu. Việc kết hợp nhiều công nghệ thông minh cũng được thực hiện thông qua hệ thống đèn giao thông thông minh để ưu tiên cho hệ thống phương tiện giao thông công cộng. TP.Columbus (bang Ohio, Mỹ) bắt đầu sáng kiến ĐTTM từ năm 2017 với các trạm nạp điện thông minh...
Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, kẹt xe khiến mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, tương đương 1,3 tỉ USD; ngoài ra còn mất 2,3 tỉ USD do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới. Tương tự, thiệt hại từ ùn tắc gây ra cho Hà Nội mỗi năm khoảng 1 - 1,2 tỉ USD. Ông Sơn cho biết các dữ liệu tích hợp đã giải bài toán trên và nó đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong phát triển ĐTTM. Vì vậy, điều quan trọng nhất là Việt Nam phải có một hệ thống để tập hợp 4 loại dữ liệu (Chính phủ, doanh nghiệp, các hoạt động đô thị sinh ra, công dân). “Chúng ta cần có chính sách để chia sẻ dữ liệu này”, ông Sơn đề nghị.
Phát biểu tại phiên toàn thể của diễn đàn chiều 22.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển ĐTTM thực sự là một “cuộc chơi lớn”, trong đó cần có những “người cùng chơi” có tầm nhìn và tiềm lực, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững. Việt Nam xác định phát triển ĐTTM, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.
“Phát triển ĐTTM phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình”, Thủ tướng yêu cầu.
Theo Tiêu Phong (Thanh Niên)