Bạn đọc

Đồ xổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một nữ đồng nghiệp trong cơ quan tôi trước đây nổi tiếng là “vua săn đồ xổ”. Hàng mới về, ở đâu, hàng gì… cô ấy nắm rất rõ bởi “mấy chỗ bán đồ xổ đều quen thân với em, cứ hàng về là họ gọi báo liền”. Thậm chí, chủ các cửa hàng đồ xổ có khi đợi cô ấy đến rồi mới khui bao hàng để ưu tiên cho lựa trước.

 

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo nữ đồng nghiệp này kể thì mua đồ xổ cũng rất vui. Trước hết, mỗi lần xổ hàng, chủ cửa hàng đều treo biển ghi rõ ngày giờ, loại hàng được xổ. Đến thời điểm thông báo thì đã có hàng chục chị em phụ nữ đủ các thành phần chen chúc nhau lựa hàng, nhiều nhất vẫn là quần áo. Người này lựa xong, bỏ qua, người khác lại cầm lên ướm thử rồi lại thả xuống, cứ thế động tác quen thuộc ấy được lặp đi lặp lại không biết chán, đến khi chọn được ba bốn chiếc mới thôi, nào áo sơ mi, áo khoác, cả quần… Đẹp đã đành, giá cả lại rất rẻ. Trung bình, mỗi cái áo nằm trong khoảng vài chục ngàn đồng đến trên dưới một trăm ngàn đồng, hỏi sao chị em không thích? Giày dép cũng thế, đôi khi người ta còn chọn cả chăn mền, thảm trải nền nhà với những kiểu hoa văn Tây Á rất đẹp, rồi ví da, túi xách hay giày thể thao…

Còn nữa, phần lớn đồ xổ đều là hàng hiệu hẳn hoi, tất nhiên đã qua sử dụng. Một chiếc kính hãng Gucci nổi tiếng thế giới lại có giá chỉ vài trăm ngàn đồng, áo sơ mi hãng Valentino hay quần jean hãng Levis, túi xách Prada, Chanel… cũng nằm ở mức ba bốn trăm ngàn đồng. Chịu khó săn lùng, những người nghiện đồ xổ đôi khi còn mua được cả những chiếc ví da, dây nịt, đồng hồ… của các hãng nổi tiếng mà nếu không qua sử dụng mấy khi được ngắm chứ chưa nói đến chuyện được cầm, sờ tận tay!

Ở Pleiku, một số đoạn trên đường Cù Chính Lan, Lê Lai, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Trãi, Trần Khánh Dư… là “phố đồ xổ” nổi tiếng, lúc nào cũng có người đến lựa mua hàng, thậm chí có khách hàng ở tận Kon Tum, Quy Nhơn… cũng tìm đến. Thực ra, đồ xổ đã xuất hiện từ rất lâu. Trước năm 1975, nhiều thành phố-Đà Lạt chẳng hạn-đã có đồ xổ, bấy giờ được gọi là đồ sôn, hàng quần áo lúc ấy phổ biến là đồ chống lạnh bao gồm áo khoác ngắn, măng tô, áo len… Bẵng đi thời gian vắng bóng, loại hàng này xuất hiện trở lại và lập tức thu hút một lượng lớn người mua. Lúc này, hàng xổ có tên là hàng Sida hay đồ bành, chất lượng rất tả pí lù, trong một bao có đủ các loại từ hạ cám đến thượng vàng, từ quần áo tốt đến quần áo cũ, thậm chí có cả đồ rách. Sau này, các chủ cửa hàng đồ xổ đầu tư hơn bằng cách vào tận Sài Gòn để mua hàng về bán. Chưa hết, có người còn sang tận Myanmar, Thái Lan để lựa hàng về bán với giá khá cao. Đánh trúng tâm lý người tiêu dùng sành điệu bao giờ cũng muốn sở hữu cho đúng hàng hiệu (còn khá mới) nên có đắt chút ít người ta cũng trút hầu bao ra mua cho bằng được.

Tuy khá thời trang nhưng tựu trung đồ xổ cũng chỉ được người mua săn đón ở những mặt hàng “ăn chơi”, còn quần áo có tính chất văn phòng, lễ nghi thì nhiều người vẫn quen đặt may theo kiểu truyền thống. Nhờ vậy mà các cửa hàng may vẫn có đất sống. Chị H.Y.-chủ một tiệm may nhỏ trên đường Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku-cho biết, chị hầu như không có thời gian nghỉ. Khách hàng của chị chủ yếu là các nữ giáo viên ở huyện. Một đồn mười, mười đồn trăm, vậy là cả ở nhà (đường Lý Thái Tổ) lẫn ở tiệm đều luôn kín lịch trả hàng. Hầu hết là quần áo công sở như váy, áo sơ mi, quần tây… Riêng áo khoác đã nhiều năm rồi chị không may cái nào bởi “đồ xổ quá rẻ và mẫu mã cũng đa dạng, hàng mình may ra tiền công cũng đã cao hơn gấp hai ba lần nên không ai đặt may!”.

Đồ xổ trong một góc độ hẹp cũng có lợi cho người tiêu dùng bởi nó vừa rẻ lại khá phù hợp với sở thích của từng người. Do đó, đồ xổ đã và vẫn sẽ tồn tại trong một thời gian dài lâu. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, người dùng cần cẩn trọng hơn trong quá trình lựa chọn, làm vệ sinh kỹ lưỡng trước khi sử dụng. Ngược lại, hàng may truyền thống nếu luôn giữ chữ tín, giá cả phải chăng và chú trọng thay đổi, cách tân mẫu mã, nhất định vẫn sẽ được nhiều người lựa chọn.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm