Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tham gia thảo luận về chính sách, chế độ BHXH, BHYT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong chương trình làm việc ngày 27-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cũng như Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế

Theo đó, đối với tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020, các chính sách về BHXH, BHYT thời gian qua có ý nghĩa rất lớn trong đảm bảo công bằng, an sinh xã hội, giải quyết quyền lợi cơ bản cho Nhân dân, người lao động.

Quang cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn


Đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Đối với Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, tình hình quản lý, sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 của Chính phủ, đại biểu Đinh Văn Thê đánh giá cao những kết quả mà BHXH đạt được trong bối cảnh năm 2020 nền kinh tế và mọi mặt đời sống đã chịu tác động của đại dịch Covid-19. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có nhiều khó khăn, song phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã được đẩy mạnh và đã thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra hơn 2 lần…

Đại biểu Đinh Văn Thê đề nghị: Tại Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, theo đó, cần tăng kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động người lao động, Nhân dân tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Việc bố trí biên chế ngành BHXH không chỉ căn cứ vào số lượng đối tượng tham gia BHXH mà còn cần căn cứ vào đặc điểm địa lý, số lượng doanh nghiệp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số... để bảo đảm việc phát triển đối tượng phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu Đinh Văn Thê cũng nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội Quốc hội về kết quả quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 của Chính phủ. “Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo để khắc phục tồn tại sau đây: Hiện nay, đối tượng dân quân thường trực được hưởng chế độ BHYT như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định tại khoản 1, Điều 34 Luật Dân quân tự vệ, nhưng Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa có hướng dẫn cụ thể việc này, nên một số địa phương chưa thực hiện, hoặc thực hiện còn lúng túng”-đại biểu Đinh Văn Thê nêu.  

Đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai tham gia đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Ảnh: Quang Tấn


Tại kỳ họp, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, đối với những xã vùng 3, vùng 2 sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì trở thành xã vùng 1 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4-6-2021. Khi đó, người dân, nhất là người dân tộc thiểu số ở vùng 1 không còn được hỗ trợ mua BHYT. Trong khi đó, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đời sống của đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng lớn nên việc mua BHYT là việc khó khăn. Điều này tạo thêm gánh nặng cho người dân khi đi khám-chữa bệnh. Do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần bổ sung, hỗ trợ đối với nhóm người dân tộc thiểu số ở các xã vùng 1 được hưởng chính sách BHYT.

Cũng trong chương trình làm việc ngày 27-10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế. Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đều nhất trí sự cần thiết ban hành các nghị quyết, là động lực để các địa phương phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị phân tích tác động của các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách đối với ngân sách Nhà nước, nợ công quốc gia. Cùng với đó, các đại biểu đề nghị việc phân cấp, phân quyền cần gắn với kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất của các địa phương đảm bảo chỉ khi thực sự cần thiết, không còn phương án khác và quan tâm đến sinh kế người dân bị ảnh hưởng. Mặt khác, các đại biểu cũng cho rằng, cần quy định thêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong việc thực hiện các nghị quyết.

 

QUANG TẤN 

Có thể bạn quan tâm