Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp khó tiếp cận tài liệu, thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cùng với cả nước, Gia Lai đang đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó lấy việc xây dựng chính quyền số làm cơ sở thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, thể hiện bằng cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin. Song, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc tiếp cận tài liệu, thông tin vẫn gặp khó khăn.

Ông Đậu Anh Tuấn-Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin là một trong các chỉ số thành phần đánh giá mức độ phổ cập, tính dễ dàng trong tiếp cận của thông tin dịch vụ hành chính công, chất lượng, tình hình cập nhật của thông tin với các quyết định kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.

Trong khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), tính minh bạch và tiếp cận thông tin được thể hiện và đánh giá qua các kênh thông tin chính thống như: cổng thông tin điện tử và các kênh trực tuyến, trực tiếp hỗ trợ, chất lượng thông tin và dịch vụ trả lời ý kiến, yêu cầu cung cấp thông tin của doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chỉ số này rất quan trọng. Ông Hoàng Tiến Tường-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại-Dịch vụ Tiến Tường (phường Trà Bá, TP. Pleiku) chia sẻ: “Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, chúng tôi luôn phải kịp thời nắm bắt tất cả các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi được cung cấp thông tin một cách kịp thời, đáng tin cậy về các dịch vụ công của chính quyền, các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch-kế hoạch, dự án và hạng mục đầu tư… sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đẩy mạnh đầu tư hoặc kịp thời đưa ra những biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại”.

Tại các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh luôn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực đăng tải lên cổng thông tin điện tử của đơn vị mình những nội dung như: văn bản quy phạm pháp luật; thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật; chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan nhà nước; các thông tin về dự toán ngân sách nhà nước, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước.

Đặc biệt là những thông tin liên quan đến công tác đầu tư, sản xuất kinh doanh như: danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; báo cáo công tác định kỳ...

Song trên thực tế, thời gian qua, việc tiếp cận thông tin, tài liệu của các doanh nghiệp vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Lướt qua các trang cổng thông tin điện tử của nhiều sở, ban, ngành, địa phương, có thể thấy một số đơn vị không cập nhật đầy đủ thông tin, nhất là các địa phương. Có trang từ năm 2018 đến nay chưa có thêm mục mới, thậm chí nhiều nội dung còn để trống. Có thể kể tới như Cổng thông tin điện tử huyện Chư Prông, trong mục văn bản của UBND huyện, văn bản mới nhất được đăng tải có ngày ban hành là 30-12-2021; thống kê-báo cáo chỉ dừng ở năm 2020; mục chính sách pháp luật thì dừng ở năm 2018… Hay Cổng thông tin của huyện Chư Sê, mục văn bản mới của UBND huyện hay văn bản quy phạm pháp luật hầu hết đều là của những năm cũ.

Bảng xếp hạng chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin ở nhóm cấp huyện của khảo sát DDCI năm 2022.

Bảng xếp hạng chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin ở nhóm cấp huyện của khảo sát DDCI năm 2022.

Điều này đã lý giải vì sao kết quả khảo sát DDCI năm 2022 của Gia Lai, điểm trung vị của chỉ số thành phần tính minh bạch và tiếp cận thông tin nhóm sở, ban, ngành giảm điểm so với năm 2021. Đơn cử, tiêu chí “Khả năng tiếp cận tài liệu, thông tin của sở, ban, ngành dễ dàng” chưa có sự cải thiện, trung vị tiêu chí này là 75,3%, giảm 5,2%; trung vị tiêu chí “Cần có “mối quan hệ” để có thể tiếp cận được tài liệu của sở, ban, ngành” là 8,5%, giảm 0,6%; tiêu chí “Tính kịp thời cung cấp thông tin” đạt 85,2%, giảm 5,2%. Còn ở nhóm cấp huyện, khả năng tiếp cận tài liệu, thông tin chưa có sự cải thiện khi tiêu chí “Khả năng tiếp cận tài liệu, thông tin (tài liệu quy hoạch hoặc văn bản quy phạm pháp luật) của cấp huyện dễ dàng” có trung vị 77,1%, giảm 1,7% so với năm 2021...

Theo đánh giá của VCCI, tính minh bạch và khả năng cung cấp, tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp với các chính sách, quy hoạch và dịch vụ hành chính công của tỉnh ảnh hưởng rất lớn tới sức hút đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn tỉnh. Vì vậy thiết nghĩ, các sở, ban, ngành, địa phương cần cải thiện công tác này. Bởi chỉ có như vậy thì Gia Lai mới có thể đạt kết quả như mong muốn trong tiến trình xây dựng chính quyền số.

Có thể bạn quan tâm