Theo Nghị định mới ban hành của Chính phủ, doanh nghiệp kinh doanh mua bán nợ phải có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng.
Doanh nghiệp mua bán nợ phải có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng |
Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ phải đáp ứng 6 điều kiện.
Thứ nhất, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện chung đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, gồm:
Doanh nghiệp phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phù hợp với quy định của Nghị định này.
Doanh nghiệp phải đáp ứng quy định về mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu tương ứng. Trường hợp, doanh nghiệp thực hiện một số hoặc tất cả các hoạt động thì mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu cao nhất trong số các hoạt động mà doanh nghiệp thực hiện.
Người quản lý của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp; có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận; là người quản lý hoặc có ít nhất 5 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định giá tài sản hoặc mua bán nợ. Những người đã làm việc trong doanh nghiệp khi kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải đáp ứng thêm điều kiện: Không là người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong 3 năm trước liền kề.
Thứ hai, doanh nghiệp có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng.
Thứ ba, các khoản nợ được mua bán phải có đầy đủ các yếu tố sau: Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ; không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua bán nợ, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của bên nhận bảo đảm về nợ; bên mua nợ và bên nợ không phải là người có liên quan theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Thứ tư, việc mua bán nợ phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mua bán nợ, trong đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên mua nợ, bên bán nợ.
Thứ năm, doanh nghiệp hoạt động mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó hoặc nhận bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng khác nhằm mục đích mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm.
Thứ sáu, bên mua nợ, bên bán nợ và các bên liên quan khác phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngoại hối trong trường hợp mua bán nợ hình thành quan hệ cho vay, vay nợ nước ngoài và sử dung ngoại hối trong giao dịch mua bán nợ.
Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ; điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, trong đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu 500 tỷ đồng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.
Theo VOV