(GLO)- Sau khi các quy định về giãn cách xã hội được tháo gỡ một phần, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng lên kế hoạch, triển khai phương án khôi phục sản xuất kinh doanh. Mục tiêu mà doanh nghiệp đặt ra là sớm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Vượt khó để duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh
Trước đây, mỗi ngày, Công ty cổ phần Bê tông và Xây lắp điện (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) có đến 80 công nhân làm việc. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm TP. Pleiku thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số công nhân ở các huyện: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Sê không thể đến Công ty làm việc. Khối lượng sản xuất của Công ty theo đó cũng giảm xuống một nửa. Không những vậy, việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa trong thời gian này cũng gặp nhiều khó khăn, phát sinh chi phí xét nghiệm Covid-19 để làm giấy thông hành cho tài xế; cước vận chuyển vật tư nguyên liệu đầu vào như sắt, thép tăng từ 450.000 đồng/tấn lên 600.000 đồng/tấn.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên An Đại Phát Gia Lai thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Ảnh: Minh Nguyễn |
Ông Lê Văn Lộc-Giám đốc Công ty-cho hay: Bình quân mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất khoảng 12.000 cột điện bê tông ly tâm và 7.000-8.000 m2 cống tròn bê tông ly tâm, doanh thu đạt 50-60 tỷ đồng. Do dịch bệnh, một số đơn vị xây lắp ngoài tỉnh trúng thầu tại Gia Lai cũng gặp khó khăn trong việc huy động nhân công, chưa thể triển khai thi công. Do đó, đầu ra của doanh nghiệp giảm 15-20% so với trước. “May mắn là sau thời gian giãn cách ngắn, chúng tôi chủ động bắt nhịp lại để đưa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Đến thời điểm này, từ chỗ chỉ có 40 công nhân làm việc, năng suất giảm một nửa thì nay doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động sản xuất được khoảng 80% công suất, lực lượng lao động cũng tăng dần lên nhằm phục vụ các dự án cuối năm, bù đắp khoảng thiệt hại trong thời gian qua”-ông Lộc thông tin.
Cũng nhờ chủ động xây dựng kế hoạch và phương án ngay từ đầu nên hoạt động của Công ty TNHH một thành viên An Đại Phát Gia Lai (252 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) không bị ảnh hưởng lớn. Ông Nguyễn Trần Tuấn Vũ-Giám đốc Công ty-cho biết: Trước thời điểm dịch bùng phát, Công ty đã nhập một lượng lớn nguyên vật liệu nên hạn chế được rủi ro về đội giá. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm dịch bệnh, 20 lao động của Công ty vẫn duy trì làm việc, thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Công nhân sau khi được xét nghiệm đầy đủ thì làm việc tại xưởng; nhân viên kế toán và kinh doanh làm việc tại nhà qua mạng internet. Dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm, ông Vũ cho biết: “Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các công trình xây dựng từ nay đến cuối năm sẽ rất hạn chế. Vì vậy, Công ty đã có kế hoạch tăng cường kênh marketing, quảng cáo qua mạng, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Tùy diễn biến dịch bệnh, thay vì lợi nhuận 20% như kế hoạch đề ra thì doanh nghiệp giảm còn khoảng 10%, ổn định mức doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm để giữ nhân công trong thời điểm này”.
Trong khi đó, ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) cho biết: Dự án nhà máy chế biến trái cây Quicornac được khởi công vào đầu tháng 3-2021, dự kiến ngày 3-9 hoàn thành giai đoạn 1. Tuy nhiên, đến nay, khối lượng công trình mới hoàn thành 95%. Công đoạn quan trọng nhất là lắp đặt thiết bị cũng đang ách tắc, ảnh hưởng đến tiến độ. Đặc biệt, chuỗi cung ứng các thiết bị ở các tỉnh thành như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai bị đứt gãy; các nhà thầu nước ngoài không thể cử chuyên gia sang lắp đặt hệ thống vận hành nhà máy. Không những vậy, trong thời gian thực hiện giãn cách, số lao động của Công ty từ 230 người giảm xuống chỉ còn 100-120 người, một số công nhân thực hiện cách ly theo quy định cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu đội lên 20-30% (tương đương 30-38 tỷ đồng), buộc Công ty phải thực hiện một số giải pháp tối ưu hóa chi phí.
An toàn là mục tiêu cao nhất
Bà Võ Trần Bích Hạnh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sê San Gia Lai (Khu Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku) cho biết: Trước khi TP. Pleiku thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguyên liệu nhưng do công nhân ở các huyện tạm nghỉ chống dịch nên số lượng lao động từ hơn 100 người giảm xuống chỉ còn 50 người. Điều này khiến doanh nghiệp thiệt hại lượng chanh dây đã thu mua trị giá hơn 200 triệu đồng. Bình thường, mỗi tuần, doanh nghiệp xuất 2 container dịch chanh dây thành phẩm, nhưng thời điểm này phải tạm hủy, hoãn vì lo sợ nguồn lây từ tài xế xe tải phía bạn hàng.
Công nhân Công ty cổ phần Bê tông và Xây lắp điện (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) tăng cường hoạt động sản xuất sau thời gian giãn cách. Ảnh: Minh Nguyễn |
Cũng theo bà Hạnh, trong thời gian qua, Công ty không có doanh thu mà còn phát sinh chi phí cố định hàng tháng hơn 300 triệu đồng. “Sau giãn cách, các hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Khâu vận chuyển được tạo điều kiện, công nhân được hỗ trợ tiêm vắc xin, đặc biệt là việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã giúp họ dần ổn định tâm lý. Khi nguồn hàng ổn định, doanh nghiệp vẫn đảm bảo thu mua lượng chanh dây 5.000-6.000 tấn/năm, sản xuất 2.000-3.000 tấn thành phẩm”-bà Hạnh thông tin.
Còn Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac cũng cho hay: Để giải quyết khó khăn về nhân công chất lượng cao, đảm bảo việc vận hành thử nghiệm vào cuối tháng 12 tới và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 ngay đầu năm 2022, góp phần tiêu thụ 62.500 tấn nguyên liệu/năm, Công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ cho nhân sự của Công ty TNHH DY Boiler Vina từ TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đến làm việc tại trụ sở nhà máy. Hiện UBND tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan xem xét, đảm bảo nguyên tắc phòng-chống dịch khi đưa nhân sự vào làm việc tại tỉnh. “Chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định phòng-chống dịch”-ông Thạnh nói.
Khu Công nghiệp Trà Đa hiện có 55 nhà đầu tư, triển khai 62 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.292 tỷ đồng, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 9 tháng năm 2021 đạt hơn 2.115 tỷ đồng (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020), tổng doanh thu thuần đạt 1.360 tỷ đồng (tăng 16%), doanh thu công nghiệp đạt 808,9 tỷ đồng (tăng 7,7%), nộp ngân sách nhà nước 53,8 tỷ đồng (tăng 9%). Kim ngạch xuất-nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa ước đạt trên 67 triệu USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2020. |
Tương tự, Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông và Xây lắp điện cho biết: Hiện 82 cán bộ, nhân viên và người lao động của Công ty đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Đây được xem như “giấy thông hành” để người lao động yên tâm làm việc, nhất là trong thời điểm xảy ra dịch bệnh. Ngoài việc thường xuyên nhắc nhở thực hiện nguyên tắc 5K, chúng tôi cũng quán triệt công nhân hạn chế đi lại, tụ tập đông người sau giờ làm việc. Đồng thời, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh tại bảng tin nội bộ để người lao động cẩn trọng hơn, bởi một khi có ca nhiễm thì hoạt động sản xuất sẽ bị ngưng trệ.
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh: Đợt cao điểm bùng phát dịch Covid-19, các nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn tích cực phòng-chống dịch bệnh. Hầu hết các doanh nghiệp và người lao động đều có ý thức bảo vệ mình, gia đình, doanh nghiệp và cộng đồng; cam kết thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và “một cung đường, hai điểm đến”, vừa đảm bảo phòng-chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế. Do vậy, đến thời điểm hiện tại, ở Khu Công nghiệp Trà Đa và Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh không có trường hợp nhiễm Covid-19, các doanh nghiệp cơ bản duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Khoa cho biết thêm: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nằm ở việc lưu thông hàng hóa. Thời gian vận chuyển lâu ảnh hưởng đến công tác bảo quản cũng như chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, hầu hết các chi phí về lưu thông, vận chuyển, lưu kho bãi đều tăng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải “gánh” nhiều chi phí phát sinh như: chi phí cách ly, bổ sung phương án ứng phó phòng-chống dịch cho phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại đơn vị... Các chuyên gia, lao động nước ngoài, nhà đầu tư không thể nhập cảnh vào Việt Nam để chuyển giao công nghệ, hướng dẫn lắp ráp, điều hành hệ thống máy móc, thực hiện các thủ tục để triển khai dự án sau khi cấp phép. “Mặc dù chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” nhưng chúng tôi vẫn triển khai xây dựng kịch bản, phương án phòng-chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời, sẵn sàng ứng phó phòng-chống dịch trong mọi tình huống, luôn chuẩn bị tâm thế giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới”-ông Khoa khẳng định.
MINH NGUYỄN