Kinh tế

Giá cả thị trường

Doanh nghiệp Việt Nam khảo sát phát triển nhà máy điện gió tại Lào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong giai đoạn 1, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khảo sát tính khả thi phát triển nhà máy điện gió trên diện tích 2.687ha đất tại huyện Sepon, tỉnh Savannakhet, giáp Việt Nam, với công suất dự kiến 252MW.

 Ảnh minh họa. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)


Tối 8-12, tại thủ đô Vientiane của Lào đã diễn ra lễ ký Bản ghi nhớ (MoU) về nghiên cứu khảo sát tính khả thi phát triển dự án nhà máy điện gió Ami Savannakhet, tại huyện Sepon, tỉnh Savannakhet, Trung Lào giữa Công ty Cổ phần Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình và Chính phủ Lào.

Tham dự lễ ký có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào Sathabandith Inseexiengmai; Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, ông Xinava Suphanouvong; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình, ông Nguyễn Nam Thắng; đại diện các ban ngành có liên quan của Lào; đại diện tỉnh Savannkhet và tỉnh Quảng Bình.

Thay mặt Chính phủ Lào, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào, ông Sathabandith Inseexiengmai và ông Nguyễn Nam Thắng đã ký MoU nói trên.

Theo MoU, trong giai đoạn 1, Công ty Cổ phần Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình sẽ nghiên cứu khảo sát tính khả thi phát triển dự án nhà máy điện gió AMI Savannakhet trên diện tích 2.687ha đất tại huyện Sepon, tỉnh Savannakhet, giáp Việt Nam, với công suất dự kiến 252MW.

Trong tương lai sẽ nghiên cứu, khảo sát để nâng công suất của dự án lên 1.215MW nếu được chính quyền tỉnh Savannakhet cho khảo sát thêm diện tích đất để phát triển.

MOU có hiệu lực từ ngày ký và có thời hạn 24 tháng (có thể gia hạn). Sau thời gian này, nếu dự án có tính khả thi về mặt tài chính và thị trường theo tiêu chuẩn kỹ thuật về điện của Lào, Chính phủ Lào sẽ đồng ý cho Công ty Cổ phần Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình thực hiện và vận hành dự án theo hình thức BOO (xây dựng-sở hữu-vận hành).

Dự án nhà máy điện gió AMI Savannakhet nằm trong mục tiêu phát triển của Chính phủ Lào nhằm sản suất điện để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nhà phát triển mong muốn dự án này sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực biên giới Việt Nam-Lào tại Quảng Bình.

Dự án cũng được kỳ vọng sẽ là biểu trưng cho tình đoàn kết truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Quảng Bình và Savannakhet nói riêng và giữa hai nước Việt Nam-Lào nói chung.

Theo Phạm Kiên-Bá Thành (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm