Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đọc báo tập thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời bao cấp, báo chí chưa phát triển như bây giờ. Ngoài tờ báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam ở Trung ương, còn ở địa phương chỉ có tờ báo của Đảng bộ tỉnh và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên ngành nào thì có tờ báo hoặc tạp chí của ngành đó để đọc.

Người dân đa phần không có tiền để đặt mua báo bán ở sạp, chủ yếu là nghe qua loa phường, hoặc radio… Thời gian đó, tôi đang làm việc ở Sở Giáo dục và Đào tạo. Văn phòng cơ quan chỉ đặt mua 2 loại báo chính: Nhân Dân và Giáo viên nhân dân; lãnh đạo cơ quan được đặt mua thêm tờ Tạp chí Giáo dục. Cán bộ, chuyên viên hàng ngày muốn đọc báo thì đến văn phòng mượn, đọc xong thì trả lại. Do đó, thông tin đến với công chúng thường rất chậm.

Cán bộ xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) thường xuyên đọc Báo ảnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Cán bộ xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) thường xuyên đọc Báo ảnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Có một thời, lãnh đạo các cơ quan phát động phong trào “Đọc và làm theo báo”, trong đó chủ yếu là báo Đảng. Bấy giờ, các báo từ trung ương đến địa phương thường có chủ trương trong công tác tuyên truyền trên báo là “xây và chống”, nhưng tập trung “xây” là chính; những vụ việc tiêu cực cũng có nêu trên mặt báo chính thống nhưng không nhiều. Cơ quan tôi có quy định “đọc báo tập thể vào sáng thứ hai đầu tuần” ở hội trường khoảng 30 phút trở lại, giao cho Văn phòng chịu trách nhiệm.

Thỉnh thoảng, tôi được phân công “chọn báo, tìm bài” phù hợp để đọc cho cán bộ, chuyên viên toàn cơ quan nghe. Tất nhiên, khi đến phiên trực đọc báo, tôi phải đọc trước, chọn những bài có thông tin mới, nhất là những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mới ban hành. Thứ đến là những bài “gương người tốt-việc tốt” và đặc biệt là những bài có liên quan đến giáo dục-đào tạo. Còn những tin bài thuộc mảng tiêu cực, vi phạm pháp luật cũng được chọn đọc, nhưng chủ yếu là những vụ án đã được điều tra và công bố công khai, rõ ràng.

Tôi cũng được lãnh đạo dặn dò là phải chú trọng đến các gương điển hình, những việc làm tốt trong các phong trào phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phong trào “Dạy tốt và học tốt”. Ngày đó, phong trào “Hai tốt” trong giáo dục được đẩy mạnh và thực chất, nó cũng đã đem lại hiệu quả nhất định. Sau nhiều năm tổng hợp các bài viết trong phong trào “Dạy tốt-học tốt” của ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai-Kon Tum bấy giờ, lãnh đạo Sở chỉ đạo chúng tôi in các điển hình tiên tiến của ngành thành tập sách “Lung linh ngọn lửa” để phổ biến đến các trường học.

Thực ra, hồi đó, báo chí tuy ít, nhất là các tờ nhật báo nhưng rất được công chúng coi trọng. Các cơ quan trong hệ thống nhà nước đều rất tôn trọng các cơ quan báo chí và nhà báo. Họ sẵn sàng tiếp cận và cung cấp thông tin cho các báo. Những vấn đề được báo chí nêu lên có liên quan đến cơ quan, đơn vị mình hay ngành mình đều được tiếp thu một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Những cá nhân, tập thể điển hình được báo chí “xướng danh” thì giá trị được nhân lên nhiều lần, tạo được lòng tin trong công chúng. Chính vì điều đó, mới có phong trào “học và làm theo báo” và đọc báo tập thể ở nhiều cơ quan, đơn vị.

Ngày nay, báo chí, truyền thông đã phát triển ở mức cao, nhất là loại hình báo điện tử ra đời cùng điện thoại thông minh xuất hiện, kết nối toàn cầu. Lợi thế của các loại thông tin điện tử trên mạng xã hội là khá nhanh nhạy; một sự việc, sự kiện vừa xảy ra, mọi người cũng có thể ghi, quay lại và đưa lên mạng chỉ trong tích tắc thì cả cộng đồng xa gần đều có thể đọc, xem. Và cũng vì lý do này mà việc đọc báo tập thể đã dần trở thành ký ức.

Có thể bạn quan tâm