Điểm đến Gia Lai

Độc đáo bức tranh ba chiều trong Bảo tàng Quân đoàn 3

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuyện là, trong một lần đến thăm Bảo tàng Quân đoàn 3, tôi đã dừng lại bên một bức tranh chân dung Bác Hồ với chất liệu lạ. Thấy tôi đứng ngắm nghía bức tranh, Trung tá Vương Sơn Hải, lúc bấy giờ là Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 3 nói như khoe: “Bức tranh độc đáo lắm-một bức tranh 3 chiều”.
 

Ảnh: Q.N

Tôi tò mò, tranh vẽ thủ công trên giấy thì làm sao 3 chiều được? Anh Hải cười và giới thiệu các góc đứng ngắm bức tranh để tôi thực nghiệm. Không khỏi ngạc nhiên với phát hiện của chính mình, tôi thốt lên: “Độc đáo, độc đáo! Rất tài tình!”. Bởi, nếu ta đứng ngắm chính diện thì hiện lên chân dung Bác Hồ; còn khi nhìn nghiêng bên phải thì gặp hình ảnh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, còn nhìn nghiêng bên trái thì thật kinh ngạc: đó là chân dung Tổng Bí thư Lê Duẩn (xem ảnh).

Hẳn những ai đã từng được mãn nhãn khi ngắm bức tranh này đều sẽ có cảm nhận như chúng tôi và thán phục người họa sĩ có tấm lòng kính yêu lãnh tụ. Bằng tâm huyết và tài hoa, tỉ mỉ đến từng chi tiết, từng đường nét và màu sắc, tác giả đã thể hiện cùng trong một bức tranh (giấy gấp) cả 3 chân dung lãnh tụ. Quan sát kỹ thì thấy, trên một tờ giấy bình thường có khổ rộng được gấp liên tục với các phần cao-nhọn xen kẽ, cộng với phần ngang phẳng cách đều nhau khoảng 1/3 cm để có khổ hình khối khoảng cỡ giấy A4, hoạ sĩ đã kỳ công vẽ từng chân dung trên 3 phần nền khác nhau (nghiêng-nhọn-ngang) nhưng lại cùng trên cùng vị trí của mặt phẳng khối. Do vậy, với từng góc nhìn khác nhau, mắt sẽ nhận được và cho ta một ảnh “không gian 3 chiều”. Đặc biệt, với màu chì được chấm vẽ một cách chi tiết, chính xác và hợp lý cho cả tổng thể chung của khối hình, đây chính là sự kỳ tài của họa sĩ khi tạo được không gian 3 chiều một cách sáng tạo bằng phương pháp thủ công, không cần đến sự cộng hưởng của lăng kính.

Đến nay, bức tranh độc đáo này vẫn được trưng bày ở Bảo tàng Quân đoàn 3, nhưng câu hỏi ai là người đã vẽ tranh, còn sống hay đã mất… vẫn chưa có lời giải. Các cán bộ, chiến sĩ công tác ở Bảo tàng Quân đoàn 3 cũng đã mất nhiều công sức tìm kiếm nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Tài liệu duy nhất còn lại là dòng chữ sau khung ảnh: “Tỉnh ủy Tây Ninh tặng Bộ Tư lệnh Quân đoàn khi làm nhiệm vụ quốc tế tại biên giới Tây Nam-1978”. Thời gian trôi đi, bức tranh vẫn hiện hữu, nhưng mọi cố gắng tìm kiếm tác giả đến nay vẫn chưa xác định được. Chỉ  mong tìm ra được người họa sĩ tài hoa ấy để một lần tri ân…

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm