Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Độc đáo tranh cá 3D

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Qua đôi bàn tay khéo léo và sáng tạo, chị Đặng Thị Thu Thủy (30 tuổi, thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) đã biến những gốc cà phê già cỗi hay những tấm gỗ vô tri vô giác trở thành hàng loạt bức tranh cá 3D độc đáo, trị giá hàng triệu đồng.
Dù vậy, chị Thủy khá e dè và ngại ngùng khi chúng tôi gọi chị là “họa sĩ”. Khi được hỏi về duyên cớ gắn bó với thể loại tranh cá 3D, chị Thủy tâm sự: Chị sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bình Thuận, từng tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế nội thất Trường Đại học Hồng Bàng (TP. Hồ Chí Minh). Năm 2016, chị lập gia đình và theo chồng về Gia Lai sinh sống. Thời gian đầu về làm dâu nơi đất khách quê người, để khỏa lấp nỗi nhớ quê nhà, chị thường vẽ những bức tranh sơn dầu về phong cảnh, chân dung trên vải bố, gỗ… và chỉ để ngắm chơi.
 Bức tranh cá 3D được chị Đặng Thị Thu Thủy chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất. Ảnh: P.T
Bức tranh cá 3D được chị Đặng Thị Thu Thủy chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất. Ảnh: P.T
Một lần tình cờ lên trang Youtube xem video về nghệ thuật vẽ tranh cá 3D của nghệ nhân Nhật Bản Riusuke Fukahori, chị bị cuốn theo kỹ thuật tạo hình độc đáo của bộ môn nghệ thuật này lúc nào không hay. Từ đó, chị quyết định tìm hiểu, thực hiện cho bằng được. “Sau 1 tuần say mê tự học vẽ tranh cá 3D từ các video trên mạng, tôi mới hoàn thiện tác phẩm đầu tay. Nhưng bức này không thành công như mong đợi do vẽ trong chén thủy tinh, sử dụng phải chất keo trong không đảm bảo nên bề mặt tranh dễ bể, rời rạc khi va chạm vật cứng. Thất bại lần đầu càng thôi thúc tôi không ngừng tìm hiểu, cố gắng thử thách bản thân về độ kiên trì, tỉ mỉ trong việc lựa chọn chất liệu cũng như kỹ năng tạo hình để hoàn thiện hơn trong những tác phẩm tiếp theo”-chị Thủy cho hay.

Chị Đặng Thị Thu Thủy: “Biến đam mê trở thành nguồn sống là điều đáng mừng, nhưng tôi không muốn mình phụ thuộc quá nhiều về số lượng để rồi sáng tạo nên những tác phẩm rập khuôn, vô hồn. Điều tôi mong muốn là tạo ra những tác phẩm nghệ thuật được mọi người thực sự yêu mến, đón nhận”.

Theo chị Thủy, để có một tác phẩm tranh cá 3D đẹp và thu hút, bên cạnh kỹ năng vẽ thì việc chọn được một vật chứa độc đáo cũng đóng vai trò quan trọng. Ngoài việc vẽ tranh cá trên các vật chứa quen thuộc như chén thủy tinh, dĩa sứ… theo yêu cầu của khách hàng, chị Thủy rất tâm đắc và dành nhiều thời gian cho việc vẽ tranh cá trên chất liệu gỗ. Đặc biệt, chị bị thu hút bởi tạo hình tự nhiên và thô mộc của những gốc cà phê già cỗi hay những miếng gỗ cũ thô sần. Ý tưởng kết hợp vẽ tranh cá 3D cùng nguyên liệu sẵn có ở địa phương đã tạo nên những tác phẩm 3D độc đáo, mang đậm dấu ấn của vùng đất Tây Nguyên, được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Ngoài tính nghệ thuật, tranh cá 3D còn được yêu thích vì yếu tố phong thủy. “Hiện lượng tranh cá 3D tôi vẽ không kịp đáp ứng số đơn khách hàng đặt, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giá mỗi bức tranh dao động từ 1 triệu đồng đến vài chục triệu đồng tùy vào độ khó cũng như yêu cầu của khách hàng. Mỗi tháng, từ việc vẽ tranh cá 3D, tôi thu nhập trung bình tầm 15 triệu đồng. Riêng dịp Tết, số lượng tranh bán rất nhiều, thu nhập gấp đôi so với bình thường”-chị Thủy chia sẻ.
Chia sẻ về kỹ thuật vẽ tranh cá 3D, chị Thủy cho biết: Đây là phương pháp vẽ xen kẽ từng lớp keo một. Người vẽ sẽ đổ một lớp keo đầu tiên vào vật chứa và đợi 24 tiếng đồng hồ cho lớp keo khô và trong, sau đó mới tiếp tục vẽ chồng lớp thứ 2 và quy trình ấy cứ lặp đi lặp lại. Muốn bức tranh đẹp, sinh động, người họa sĩ có thể vẽ thêm rêu, cỏ, sỏi đá, ốc sò… để tạo tiểu cảnh dưới nước với cách sắp đặt sao cho hợp lý, thực hiện đến khi nào hình ảnh của vật được thể hiện hiện lên sống động, đánh lừa thị giác của người nhìn, có cảm giác như thật là thành công. Thông thường một bức tranh cá 3D phải đổ từ 6 lớp keo trở lên và hoàn thiện sau ít nhất 1 tuần. Bức tranh công phu nhất mà chị Thủy từng thực hiện kéo dài đến hơn 2 tháng.
Sau 2 năm theo đuổi đam mê vẽ tranh cá 3D, chị Thủy không nhớ mình đã vẽ ra bao nhiêu bức tranh. Tuy nhiên, với chị mỗi bức tranh đều là “độc bản” đầy sáng tạo và tâm huyết. Chị tiết lộ: “Tôi dự định khi có điều kiện sẽ mở một phòng tranh nhỏ, là nơi trưng bày những tác phẩm tranh vẽ 3D để nhiều người hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này. Tôi cũng muốn chia sẻ và học hỏi cách làm ra sản phẩm tranh 3D với những người có cùng đam mê để tạo nên những sản phẩm mang đậm dấu ấn, tạo được sự khác biệt giữa muôn vàn tranh vẽ 3D khác trên thị trường”. 
 PHAN THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm