Phóng sự - Ký sự

Đôi bàn tay tài hoa và trái tim ấm áp của vị tướng Quân y

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một chiều đông Hà Nội, trong ngôi nhà ở phố Tôn Thất Thiệp, tôi ngồi nghe những câu chuyện về Thiếu tướng quân y, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Huy Phan.

Qua lời kể của người con gái thứ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Dung, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương.

27 năm đã trôi qua kể từ ngày Giáo sư Phan rời cõi tạm, nhưng hình ảnh người bác sĩ quân y tận tụy cứu chữa thương bệnh binh trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, nhà khoa học tiên phong về phẫu thuật tạo hình và vi phẫu, người cha yêu con hết mực vẫn mãi đọng lại trong lòng người thân, đồng nghiệp và nhiều người dân Việt Nam.

Dấu ấn của một “nhà phẫu thuật - nghệ sĩ”

Giáo sư (GS) Nguyễn Huy Phan sinh năm 1928 tại làng Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Từ thời niên thiếu, Nguyễn Huy Phan đã mơ ước trở thành người thầy thuốc ngoại khoa và thi đỗ Trường Đại học Y Dược khoa năm 1945. Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nguyễn Huy Phan tham gia lực lượng Tự vệ thành, sau đó lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vào học Trường Đại học Y Dược khoa kháng chiến do GS Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng.

Thiếu tướng Quân y, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Huy Phan.

Trong căn lán nhỏ làm bằng tre nứa giữa núi rừng Việt Bắc, Nguyễn Huy Phan được tiếp thu những kiến thức y học đầu tiên. GS Tôn Thất Tùng là người thầy đầu tiên hướng dẫn học trò Phan cách cầm dao mổ, xâu chỉ… Ca mổ đầu tiên Nguyễn Huy Phan được mổ cùng GS Tùng chính là tại một cơ sở thực hành của Trường Đại học Y Dược khoa ở Việt Bắc. Thời kỳ đó, các sinh viên y khoa vừa học vừa làm nhiệm vụ chăm sóc thương bệnh binh. Năm 1953, Đội phó Đội điều trị I Nguyễn Huy Phan cùng đồng đội đeo balo và túi thuốc trên vai tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tháng 10/1954, cùng đoàn quân chiến thắng trở về Hà Nội, Nguyễn Huy Phan tiếp tục học tập tại Trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1955, sau khi bảo vệ thành công luận văn bác sĩ y khoa, ông được cử đi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh y học. Năm 1959, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ và về nước, làm việc tại khoa Phẫu thuật hàm mặt, Viện Quân y 108. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, thương bệnh binh trên các chiến trường chuyển về đây điều trị ngày càng nhiều. Chính trong quá trình điều trị tổn thương, khuyết hổng cho cơ thể thương bệnh binh, bác sĩ Phan cùng học trò và đồng nghiệp đã triển khai thành công những kĩ thuật tạo hình kinh điển của thế giới như kĩ thuật ghép tổ chức da, xương tự thân, mô đồng loại, dị loại; kĩ thuật tạo hình bằng vạt tại chỗ, vạt từ xa,… Trong đó đặc biệt nhất là tạo hình dương vật.

Những năm chiến tranh, bom đạn trút xuống khắp các vùng đất Việt Nam khiến rất nhiều nạn nhân là nam giới bị một loại thương tích nghiêm trọng: đứt dương vật. Điều đó khiến họ phải chịu đựng đau đớn và tổn thương tâm lý nặng nề. Điều đó đã thúc đẩy GS Phan dành nhiều công sức và tâm huyết xây dựng một chuyên khoa để xử lý vấn đề này.

Giáo sư Nguyễn Huy Phan (phải) kiểm tra sự hồi phục sau phẫu thuật cho bệnh nhân những năm 1980.

Một ngày hè năm 1979, bác sĩ Nguyễn Huy Phan vừa bước chân ra khỏi phòng mổ ở Viện Quân y 108, một thanh niên khỏe mạnh, điển trai xin gặp ông. Thuở nhỏ chàng trai này bị mảnh đạn pháo tiện cụt mất “của quý”. Nỗi khổ tâm cứ đeo đẳng cậu thanh niên bao nhiêu năm trời. Sau khi thăm khám và hội chẩn, ông cùng các cộng sự tạo hình lại toàn bộ dương vật cho anh thanh niên. Hai năm sau, anh thanh niên may mắn kia lấy vợ, có con. Đó là niềm vui lớn của cả bệnh nhân và bác sĩ Phan. Thành công đó đã khởi đầu một công trình nghiên cứu độc đáo, xuất sắc về tạo hình dương vật trong cuộc đời khoa học của ông, được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao.

Năm 1983, bác sĩ Phan đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ khoa học về điều trị phẫu thuật các di chứng nặng của vết thương hỏa khí vùng mặt tại Liên Xô. Trong 40 năm liên tục gắn với phẫu thuật tạo hình, luôn tiên phong ứng dụng những kĩ thuật tiên tiến của nền ngoại khoa thế giới, GS Phan nổi tiếng là “nhà phẫu thuật - nghệ sĩ” bởi ông gắn với mổ xẻ - tạo hình mang tính nhân đạo và nghệ thuật. Bằng đôi bàn tay tài hoa, ông đã tạo nên vô vàn những diện mạo mới, cuộc sống và niềm hạnh phúc thật sự cho nhiều bệnh nhân, thương binh Việt Nam. Tháng 6/1988, Giáo sư Phan được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Huy Phan còn được biết đến là nhà hoạt động xã hội năng động và đầy tuy tín. Trên cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ (1994-1997), ông có những đóng góp quan trọng vào việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác về y học nói riêng và khoa học công nghệ nói chung.

Người cha yêu dấu

“Ba mẹ tôi có 3 người con gái thì tôi và em gái út theo ngành y của ba mẹ. Mẹ Vũ Thị Ngọc Huệ của tôi công tác tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, còn ba Nguyễn Huy Phan ở Bệnh viện Quân y 108. Từ khi chúng tôi còn nhỏ, ba tôi rất chú ý đến chuyện học hành của các con. Dù bận nhưng ba đều dành thời gian đến thăm các thầy cô giáo để trao đổi và nắm tình hình học tập của con. Ba truyền cho chúng tôi niềm say mê và quyết tâm học hành. Ba luôn bảo với chúng tôi rằng kiến thức vô cùng quan trọng”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Dung nhớ về người cha.

Với các con gái, GS Phan vừa là người cha yêu chiều và gần gũi lại vừa nghiêm khắc. Ông luôn giành phần làm những việc tỉ mỉ nhất cho các con, từ việc giao bài tập, kể chuyện cổ tích đến cắt tóc, cắt móng tay cho con gái. Bác sĩ Dung nhớ lại: “Khi tôi bắt đầu biết quan sát và cảm nhận sự việc xung quanh thì hình ảnh ba ngồi viết trên bàn làm việc in đậm trong trí nhớ của tôi. Tối trước khi đi ngủ tôi thấy ba ngồi làm việc. Sáng dậy, mở mắt ra, tôi cũng thấy hình ảnh quen thuộc ấy. Ba viết nhiều lắm, ba tiết kiệm nên viết cả vào những tờ giấy đã đánh máy một mặt. Chữ ba tôi rất đều và đẹp”.

Giáo sư Nguyễn Huy Phan và con gái Nguyễn Ngọc Dung trong một đợt mổ từ thiện năm 1995.

Cũng từ ngày nhỏ, cô bé Dung tò mò hay mở những quyển sách ngoại văn với rất nhiều hình vẽ ra xem. GS Phan là người thông thạo nhiều ngoại ngữ như tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức. Chẳng biết từ lúc nào, những dòng chữ, cuốn sách của người cha đã thôi thúc con gái sau này đi theo nghề y của ba mẹ. Bác sĩ Dung chia sẻ: “Trên bước đường làm nghề của tôi có ba chỉ dạy nhiều điều. Những trường hợp tạo hình khó tôi đều đưa bệnh nhân đến gặp ba để tham khảo ý kiến. Tôi luôn tự hào là con gái của một nhà khoa học chân chính. Tôi nhớ mãi lời bác sĩ người Mỹ Craig Merrell – người đã tham gia mổ nhân đạo cho nhiều trẻ khuyết tật Việt Nam và cũng là người bạn thân thiết với ba tôi. Ông ấy nói rằng: “Bố cô rất thông minh, ông ấy đã đúng khi đưa vi phẫu vào ngoại khoa Việt Nam, đây là xu hướng tất yếu”.

Trong kí ức của con gái, GS Phan là người yêu thích nghệ thuật và cái đẹp. Ông vẽ đẹp, thích âm nhạc và cả chụp ảnh nghệ thuật. Vào thập niên 1950 – 1960, ông từng tự chụp ảnh, tráng phim và in ảnh. Và mẫu ảnh không ai khác chính là bác sĩ Vũ Thị Ngọc Huệ - người vợ xinh đẹp của ông.

Trong cuộc đời làm nghề của GS Phan có một dấu ấn đặc biệt. Bác sĩ Dung kể: “Sau này tôi lớn, ba tôi có lần kể về chuyện ông từng phẫu thuật thay đổi khuôn mặt cho một người tên là Tư Mâu – một cán bộ của ta hoạt động bí mật tại Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ. Sau khi bị lộ, ông Tư Mâu trốn thoát nhưng do yêu cầu của tổ chức nên ông phải quay lại Sài Gòn. Để không bị phát hiện, ông đã được ba tôi phẫu thuật thay đổi ngoại hình. Sau khi đất nước thống nhất, có lần ông Tư Mâu đã đến thăm và tặng ba tôi một món quà là chiếc đồng hồ. Ba tôi rất trân trọng món quà đó”.

Qua những câu chuyện của người con gái, GS Phan là người trung hậu, đức độ: “Đến tận lúc cuối cuộc đời, ba tôi vẫn mang trong lòng nỗi đau tột cùng khi cả cha và em trai đều mất trong chiến tranh. Ông nội của tôi là Nguyễn Huy Lung làm nghề dạy học, thường được gọi là ông giáo Lung. Trên đường đi tản cư, khi ông tôi đang cố gắng giúp học trò tìm chỗ tránh đạn thì bị giặc Pháp bắn chết. Còn chú út của tôi là Nguyễn Huy Đương cũng là nhà giáo. Chú xung phong lên đường vào Nam chống Mỹ và hy sinh. Ba tôi và gia đình tôi đã cố gắng đi tìm hài cốt của chú, mãi sau này mới thấy”.

Tháng 8/1997, sau những ngày chịu đựng những cơn đau của bệnh tật, GS Nguyễn Huy Phan phải nhập viện điều trị. Cả ba người con gái đều sắp xếp thời gian và công việc để chăm sóc cha ngày đêm. Họ không nghĩ rằng một tháng ngắn ngủi đó là những ngày cuối cùng được ở bên cha. Trưa ngày 17/9/1997, GS Nguyễn Huy Phan trút hơi thở cuối cùng trong nỗi tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng nghiệp, học trò, bè bạn tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, nơi ông gắn bó cả cuộc đời. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất vì những cống hiến to lớn cho lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam và nền y học nước nhà.

Theo Huyền Châm (CANDO)

Có thể bạn quan tâm