Phóng sự - Ký sự

Nhà máy chuyên sản xuất súng bộ binh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất súng tại nhà máy quốc phòng Z111 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) PV Thanh Niên phải được sự cho phép của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và tác nghiệp với sự hướng dẫn sát sao của các trợ lý an ninh tuyên huấn chính trị kỹ thuật...

Nhà máy Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng nằm cạnh quốc lộ 1A. Đi qua nhiều lớp kiểm tra, kiểm soát, PV Thanh Niên chính thức bước chân vào khu vực sản xuất linh kiện phụ tùng cho các loại vũ khí bộ binh, khu vực tổng lắp và nơi trưng bày các loại súng.

Thiếu tá Phùng Tất Thành giới thiệu một số loại súng bộ binh do nhà máy Z111 sản xuất với PV Thanh Niên
Thiếu tá Phùng Tất Thành giới thiệu một số loại súng bộ binh do nhà máy Z111 sản xuất với PV Thanh Niên

Thiếu tá Phùng Tất Thành, Phó giám đốc nhà máy Z111, cùng cán bộ kỹ thuật dẫn chúng tôi qua các phân xưởng đảm trách sản xuất linh kiện vũ khí bộ binh và dừng lại lâu hơn ở khu vực tổng lắp. Đây là nơi lắp ráp thành phẩm khẩu súng trước khi đưa xuống khu vực bắn thử nghiệm và sau đó là đơn vị sử dụng.

Nhà máy Z111, trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng được thành lập ngày 19.3.1957, đóng ở xã Hoằng Trung, H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Từ một cơ sở làm nhiệm vụ sửa chữa vũ khí là chính, tới nay, sau gần 65 năm, nhà máy đã chế tạo thành công nhiều loại súng mới, công nghệ cao, khẳng định công nghiệp quốc phòng nước ta tự lực sản xuất được toàn bộ vũ khí bộ binh cho sư đoàn đủ quân.

Thiếu tá Thành cho biết dự án đầu tư dây chuyền sản xuất súng bộ binh của Z111 được triển khai từ năm 2011. Đây là dự án có quy mô lớn, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, trang thiết bị đồng bộ hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến. Trong triển khai thực hiện cũng nảy sinh không ít khó khăn, song nhà máy đã làm chủ hoàn toàn dây chuyền công nghệ sản xuất súng bộ binh đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Súng ngắn 7,62 mm K54n lắp kính ngắm điểm đỏ, hiện được trang bị cho lực lượng trinh sát đặc nhiệm
Súng ngắn 7,62 mm K54n lắp kính ngắm điểm đỏ, hiện được trang bị cho lực lượng trinh sát đặc nhiệm
Súng bắn tỉa 7,62 mm SBT-7,62M2
Súng bắn tỉa 7,62 mm SBT-7,62M2

Súng bắn tỉa hiện đại

Năm 2007, Viện Vũ khí được giao thực hiện đề tài nghiên cứu thiết kế, chế thử súng bắn tỉa cỡ nòng 12,7 mm. Đây là loại súng bắn tỉa cỡ nòng lớn, tầm bắn xa, độ chính xác cao, dùng để tiêu diệt xe thiết giáp hạng nhẹ, mục tiêu sau bức tường hoặc kính chống đạn… Đầu tháng 7.2010, đề tài hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu, được hội đồng khoa học cấp trên đánh giá nghiệm thu loại B.

Năm 2011, cấp trên yêu cầu hoàn thiện công nghệ chế tạo súng bắn tỉa 12,7 mm Việt Nam. Viện Vũ khí và nhà máy Z111 đã phối hợp bổ sung công nghệ, chế tạo thành công và đưa súng đi thử nghiệm. Kết quả, súng được đánh giá "độ chính xác đạt yêu cầu, phù hợp với bộ đội ta" và trang bị cho bộ đội đặc công.

"Z111 là đơn vị duy nhất trong quân đội làm nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí bộ binh nòng có rãnh xoắn đến 12,7 mm để trang bị cho lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Nhưng mạnh nhất vẫn là các loại súng 7,62". Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, đại tá - Anh hùng Lao động Phan Duy Thường (Giám đốc nhà máy Z111 giai đoạn 2001 - 2007) khẳng định như vậy và kể: "Năm 2021, nhà máy đã sản xuất thành công súng trường bắn tỉa 7,62 mm kiểu SVD. Súng này sử dụng loại đạn 7,62x51, nặng chỉ 4,2 kg, nhưng có tầm bắn hiệu quả lên đến 800 m và hộp tiếp đạn lên đến 10 viên".

Súng trung liên cầm tay và đại liên tự động

Năm 2023 vừa qua, đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo súng trung liên 7,62 mm kiểu RPD hoàn thành và sản phẩm ngay sau đó được đưa vào sản xuất tại nhà máy Z111. Súng có trọng lượng 7,4 kg, hộp tiếp đạn 100 viên, tầm bắn hiệu quả 600 m và đặc biệt là được gắn các thiết bị phụ trợ (kính ngắm quang học…).

Các sản phẩm súng bộ binh tại nhà máy Z111
Các sản phẩm súng bộ binh tại nhà máy Z111

Với súng 7,62 mm kiểu PKT, mặc dù là súng đại liên nhưng chỉ nặng 10,4 kg, tốc độ bắn lý thuyết 600 - 800 phát/phút, hộp tiếp đạn 250 viên. Đây là loại súng dùng để lắp trên các phương tiện cơ giới, tàu xuồng, thiết bị không người lái và điều khiển bằng chế độ tự động, rất thích hợp trong chiến tranh công nghệ cao.

Một sản phẩm khác cũng được ra lò từ Z111 là súng đại liên 7,62 mm DL7N. Thân súng nặng 7,8 kg, giá súng nặng 5,2 kg, tầm bắn hiệu quả 800 - 1.000 m. Hộp tiếp đạn 100 - 200 viên. Đặc biệt, súng được tích hợp kính ngắm ngày đêm.

Trước đó, năm 2014, nhà máy Z111 lần đầu tiên sản xuất thành công súng cao xạ 12,7 mm lắp trên tàu M1, M3. Đây là súng tự động, trang bị trên các tàu xuồng, phương tiện nổi. Với tầm bắn hiệu quả lên đến 1.500 m, tốc độ bắn thực tế chiến đấu tối đa 250 phát/phút. Hiện súng cao xạ 12,7 mm đã được lắp đặt lên các tàu đi biển.

Súng ngắn đời mới

Hiện tại, nhà máy Z111 đang sản xuất rất nhiều súng ngắn trang bị cho các đơn vị quân đội, công an, hải quan… trong nước. Có 2 loại đáng kể, sử dụng loại đạn 9x18 mm là SN9 và K19. Nếu như súng ngắn SN9 nặng 0,73 kg, tầm bắn hiệu quả 50 m với hộp tiếp đạn 8 viên thì súng ngắn 9 mm K19 chỉ nhẹ 0,7 kg, sức chứa hộp tiếp đạn gấp đôi (17 viên) và có rãnh lắp đèn pin, kính ngắm quang học...

Nữ công nhân nhà máy Z111 làm việc theo dây chuyền sản xuất súng bộ binh
Nữ công nhân nhà máy Z111 làm việc theo dây chuyền sản xuất súng bộ binh

Loại súng ngắn sử dụng đạn 7,62 mm là SN7M2 (nặng 0,89 kg, tầm bắn hiệu quả 50 m, hộp tiếp đạn 8 viên); K54n (nặng 0,89 kg, tầm bắn 50 m, hộp đạn 8 viên) và K14n-VN nặng 0,92 kg nhưng hộp tiếp đạn lên đến 13 viên. Trong 3 loại này, K54n và K14n-VN có rãnh lắp thiết bị ngắm điểm đỏ. Loại súng này chỉ cần bóp cò theo điểm đỏ là trúng mục tiêu, nên đã được trang bị cho trinh sát đặc nhiệm.

PGS-TS Phan Chỉ (nguyên Viện trưởng Viện Vũ khí) cho biết súng ngắn 7,62 mm TT-33 (K54) được Liên Xô thiết kế chế tạo và đưa vào trang bị từ năm 1933. Súng được viện trợ cho VN từ đầu những năm 1960, nên đã xuống cấp. Năm 2001, Viện đã nghiên cứu chế thử súng ngắn 7,62 mm kiểu T-33, đạt các chỉ tiêu kỹ chiến thuật đề ra. Đầu 2002, Hội đồng khoa học công nghệ cấp Trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự đánh giá nghiệm thu và kiến nghị Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chế thử công nghệ và sản xuất trang bị. Đây là nền tảng chính để ta có những mẫu súng ngắn đời mới do Z111 sản xuất, như bây giờ. (còn tiếp)

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghiệp quốc phòng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ nhiều năm nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển công nghiệp quốc phòng. Trong đó, ngày 20.7.1993, Bộ Chính trị (khóa VII) ra Nghị quyết số 05-NQ/TW về Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2000; ngày 16.6.2003, Bộ Chính trị (khóa IX) tiếp tục ra Nghị quyết số 27-NQ/TW về Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2010; ngày 16.7.2011, Bộ Chính trị (khóa XI) ra Nghị quyết 06-NQ/TW về Xây dựng công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Đặc biệt, với tư duy đổi mới và yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, ngày 26.1.2022, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Tại văn kiện này, Đảng ta xác định rõ mục tiêu phát triển công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới là: đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có tính năng chiến thuật - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu trang bị cho lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội hiện đại; sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa phần lớn các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế. Tập trung đầu tư sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và chiến lược trên 5 nhóm sản phẩm chính (vũ khí trang bị cho lục quân; tàu quân sự và vũ khí dưới nước; tên lửa và hàng không vũ trụ quân sự; khí tài quân sự; vật tư kỹ thuật)…

Phấn đấu đến năm 2030, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa được các loại vũ khí trang bị mới, hiện đại cho lực lượng vũ trang. Từ năm 2030, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại vũ khí tự động, vũ khí thông minh trang bị cho lục quân; làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, đóng mới các loại tàu chiến hiện đại; hiện đại hóa các loại vũ khí dưới nước và tổ hợp vũ khí trên tàu quân sự. Nghiên cứu, chế tạo các hệ thống tác chiến không gian mạng; một số loại vũ khí, trang bị, vệ tinh cho lực lượng không gian - vũ trụ, lực lượng tên lửa chiến lược; các loại ra đa, máy thông tin hiện đại…

Theo Mai Thanh Hải - Tường Linh (TNO)

Có thể bạn quan tâm