Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đời cỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi tôi đang miên man nghĩ suy về loài thảo mộc khiêm nhường này thì một người bạn chặc lưỡi: Ông hết cái hay cái đẹp để ngẫm, để viết rồi sao? Bạn đâu biết rằng, tôi đang nói về một điều kỳ vĩ đấy chứ! Những gần gũi mà lớn lao ấy có đâu xa, ngay bên cạnh mình, ở dưới chân mình, là cỏ đấy thôi.
Cỏ có tự bao giờ, có lẽ chưa ai chứng minh. Tôi đồ rằng, cỏ là loài thảo mộc xưa nhất, xưa hơn bất cứ loài thực vật nào trên trái đất này và xưa hơn cả loài người. Cỏ mọc từ chốn thâm sơn cùng cốc, cỏ tết thành mênh mông bát ngát thảo nguyên, cỏ ngút mắt đồng làng, cỏ len cả vào đông vui phố thị… Cỏ có ở nơi nơi, hồn nhiên, kiêu hãnh.
Nhiều người coi khinh cỏ. Họ thường ví cỏ như những điều thấp hèn, nhỏ bé. Thậm chí người ta còn định kiến nặng nề với cỏ khi đặt cạnh nhiều loài thảo mộc kiêu sa. Càng tổn thương bao nhiêu, cỏ lại càng trường tồn bấy nhiêu. Cỏ minh chứng bằng sức sống mãnh liệt, kiên cường dù phận nhỏ, dáng mềm, vóc thấp. Cỏ sống một cuộc đời không phận số, không lo toan giành giật, không mặc cả thiệt hơn, không giận hờn oán trách. Cỏ hiền lành và tận hiến.
Từ lớp lớp cỏ tranh, cứ đợi mưa về lại tốt tươi như vũ bão, dâng thân mình cho những bền chắc của bao mái nhà miền ngược qua mưa nắng thời gian. Thời chiến tranh, cỏ tranh hóa tro làm muối nuôi nấng bộ đội, buôn làng Tây Nguyên. Rồi cái bổn phận khiêm nhường ấy lúc khác lại trở thành nhiều vị thuốc quý cho con người chữa bệnh.
Cỏ mỡ, cỏ lác, cỏ gấu, cỏ chỉ, cỏ gừng… những loài không thân phận ấy sở hữu những cái tên mộc mạc như đất, như làng, như nghĩa tình người quê, hồn nhiên chân chất. Con trâu, con bò chỉ ăn mỗi cỏ thôi mà cũng duy trì qua một kiếp, cho thịt, cho sữa, cho sức kéo bền bỉ qua bao vụ mùa. Cỏ là ân nhân của người nông dân hồn hậu.
Ảnh minh họa: C.T.V
Ảnh minh họa: C.T.V
Cỏ gà dẻo dai chứng kiến lũ mục đồng lớn lên trên lưng trâu cùng bao trò chơi dân gian, trở thành miền hoài niệm khó phai một thời thơ ấu. Cỏ mật khi khô héo lại tỏa ra mùi hương thơm ngọt, quyến rũ, in dấu bao kỷ niệm thanh xuân của những chàng trai cô gái tuổi hẹn hò, rồi kết tóc, se duyên chồng vợ.
Cỏ lau chấp chới lưng đồi, những cánh hoa theo gió phiêu bồng tới đâu, lại gieo những hạt mầm ở đấy, loang thành cả một đồng hoa. Hoa cỏ lau không hương, đơn sắc, vậy mà vẫn đẹp mĩ miều, vẫn tạc vào lòng người bao nỗi niềm xuyến xao, say đắm.
Cỏ may vấn vít gấu áo gấu quần, ngỡ bình dị mà vẫn trữ tình, lãng mạn, dệt thêu nên bao cổ tích chuyện tình, ám ảnh khôn nguôi: “Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/Áo em sơ ý cỏ găm đầy/Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/Ai biết lòng anh có đổi thay”(Hoa cỏ may-Xuân Quỳnh).
Trên thế gian này, không gì nhiều bằng cỏ. Cỏ ở dưới thấp, ăn của đất, uống của trời, chịu bao lời oán than, giẫm đạp của thế nhân vẫn hồn nhiên tươi tốt. Nghĩ về cỏ, lại ngẫm phận người. Trước bao gánh nặng lo toan, bao tị hiềm cuộc sống, giá như con người cứ vô tư, bao dung như cỏ. Trước những cay nghiệt của miệng đời, của bao nỗi bất công, giá như con người cứ lặng lẽ cống hiến, cứ an yên sống cho trọn kiếp mình thì hay biết mấy.
Để rồi, một ngày về với đất, cỏ lại làm tấm thảm xanh ân cần che chở giấc thiên thu cho những linh hồn không còn phiền muộn, không giành giật, đấu tranh, không oán trách giận hờn. Người lại hiền như cỏ thôi, hồn nhiên, thanh thản!
NGÔ THẾ LÂM

Có thể bạn quan tâm