Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đôi điều suy ngẫm về việc đọc sách

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ bé, tôi đã thích đọc sách. Tất cả thành viên trong gia đình tôi cũng đều mê sách. Mà thuở ấy nhà nghèo lắm, làm gì có tiền để mua sách. Vả lại sách vở cũng hiếm hoi, đơn điệu, không giàu có và phong phú như bây giờ.
Còn nhớ, ngoài phố huyện có một tiệm cho thuê sách cũ. Sách cho thuê được tính theo ngày, mỗi ngày 200 đồng. Tôi đọc sách khá nhanh. Sách hồi đó thường in chữ to, khổ mỏng, nên vèo phát là xong 1 quyển, có ngày tôi đọc hết 2-3 quyển.
Cô Thúy-chủ tiệm-thấy cho thuê như vậy thì thiệt nên đổi quy định cho thuê theo ngày thành cho thuê theo quyển. Tính ra đắt quá, chúng tôi không đủ tiền để thuê nhiều quyển về đọc. Vậy là hàng ngày, chị em tôi cứ lân la ra tiệm sách, giả bộ chọn sách để thuê, nhưng kỳ thực là đứng đọc trộm, đọc ngấu nghiến trong nỗi hồi hộp không thể tả, chỉ sợ chủ tiệm phát hiện sẽ xua đuổi, không được đọc sách nữa.
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: Internet
Thế rồi, bố dẫn chúng tôi đến nhà chú Tiến-bạn vong niên của bố, người có cả một thư viện sách. Nhưng ngặt nỗi, chú Tiến rất kỹ tính, ít khi cho người khác mượn sách. May sao, tôi lại chơi với con gái chú, bạn Phượng-cùng trong đội tuyển học sinh giỏi văn với tôi. Nhờ bố nói một phần, cộng với sự “tiến cử” của Phượng, chú Tiến đồng ý cho mượn sách. Đọc xong mỗi quyển sách, khi đem trả phải tóm tắt được nội dung cuốn sách, trả lời được những câu hỏi kiểm tra của chú thì mới được mượn quyển tiếp theo.
Cầm quyển sách trong thư viện chú Tiến, tôi mới thấy chú nâng niu và giữ gìn sách cẩn thận đến thế nào. Cuốn nào mỏng chú giữ nguyên, cuốn dày chú tách làm đôi làm 3, lấy giấy xi măng làm bìa, bọc lại cẩn thận rồi dùng dây xi măng khâu gáy sách lại thật chắc. Nhờ thư viện sách của chú và cũng nhờ cách cho mượn sách có một không hai ấy, mà tôi đã được đọc bao nhiêu là sách hay đồng thời đọc rất kỹ và gần như là nhớ mãi, thật khó để quên.
Trong gia đình tôi, cảnh cả nhà mỗi người một góc, người cầm sách, người cầm báo đọc say sưa mọi lúc rảnh rỗi, đã trở nên vô cùng quen thuộc. Nhất là bố tôi, đọc sách mà thuộc làu làu. Khi bố mới về hưu còn rảnh rỗi, bố thường nấu cơm hộ tôi, tôi chỉ việc ngồi bên đọc sách đọc báo cho bố nghe. Bố bảo giọng tôi to, trong trẻo, đọc dễ nghe. Cứ thế, tôi trở thành người đọc sách nhiều lúc nào không hay.
Cho đến bây giờ, mấy chị em tôi vẫn mê đọc sách. Trong nhóm chát gia đình, cùng với những câu chuyện cuộc sống bao giờ cũng có chuyên mục bàn về sách. Sách nào hay, chỗ nào thú vị chúng tôi đều lưu lại kể cho nhau nghe, chỉ nhau chỗ mua để đọc. Cứ thế, từ thế hệ trước đến thế hệ sau, mọi người trong nhà đều coi đọc sách là một việc hiển nhiên hàng ngày, như ăn cơm uống nước vậy.
Sách đã làm cho tuổi thơ chúng tôi thật đáng nhớ. Sách giúp tình cảm anh chị em tôi ngày càng gắn kết. Và trong muôn vàn những âu lo của cuộc sống hiện tại, những cuốn sách như: Hành trình về phương Đông (Baird T. Spalding), Muôn kiếp nhân sinh (Nguyên Phong), Đường xưa mây trắng (Thích Nhất Hạnh)... còn giúp giải tỏa những căng thẳng, muộn phiền, giúp mỗi người biết định tâm và sống tốt hơn mỗi ngày. Chúng tôi đã cùng nhau vun đắp, giữ gìn truyền thống đọc sách của gia đình để không bị mai một, để mỗi gia đình có một gia tài thật lớn là một tủ sách và niềm yêu đọc sách mãi vẹn nguyên.
HOÀNG NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm