Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đôi điều về bài thơ “Ru bão”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khi bão Yagi vừa tan, tôi lại nhớ về bài thơ “Ru bão” của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Thường thì người ta “ru con” hay chí ít cũng lãng mạn, ngọt ngào với “ru em”, “ru anh”… nhưng nhà thơ Nguyễn Hữu Quý lại “ru bão”.

Lời ru nhẹ nhàng mà thật xót xa, là lời cầu xin khẩn thiết xin đừng bão nữa. Lời ru thốt lên nỗi nhọc nhằn, vất vả của người dân tự bao đời nay. Người dân vốn đã khổ nhiều rồi nên xin đừng bão nữa, bà con lại càng khốn khổ, đau thương.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhân hóa hình ảnh bão là đứa trẻ và đất là chiếc nôi để rồi đưa người đọc đi vào lời ru. Ừ thì ru bão. Bởi bão được ví như đứa trẻ thơ nên tâm tình, thủ thỉ cho bão nghe, từ “dòng đời nông sâu” cho đến “ngọn bí dây bầu”, lời ru tựa như lời khuyên nhủ của người mẹ dành cho con: “Chóng quên cái chuyện thắng thua/Vô danh như thể chiêm mùa nở theo”.

Đọc đến đây, bỗng dưng tôi lại liên tưởng đến truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh. Vì thua Sơn Tinh trong cuộc chiến giành người đẹp Mỵ Nương nên Thủy Tinh nổi giận, hô mưa gọi gió để đánh Sơn Tinh. Năm nào cũng vậy, nhớ hận thù xưa, Thủy Tinh lại đánh Sơn Tinh nên chúng ta phải hứng chịu cảnh bão lũ.

Thế nhưng, Thủy Tinh chưa bao giờ thắng được Sơn Tinh, con người không chịu khuất phục trước thiên tai. Song, câu thơ “chóng quên cái chuyện thắng thua” lại gợi cho ta cảm nhận rằng: Phải chăng con người tàn phá thiên nhiên quá nên thiên nhiên nổi giận trút bão lũ lên loài người?

Tôi cũng không rõ ý đồ của tác giả có phải là như thế không, nhưng cảm nhận, liên tưởng của mỗi người với thơ thì thật phong phú. Bão không có lỗi mà lỗi do con người. Phải chăng vì thế mà tác giả viết: “Ta ru bão mảnh liềm treo/Giữa bao la vọng những kèo kẹt mây/Tan nhanh mắt bão xô cây/Ta ru bão ngủ trên tay cánh đồng/Bão thành đứa trẻ mênh mông/Ngậm vào vú đất để không bất thường”.

Vâng, thiên nhiên hiền hòa với mây trời, với cánh đồng… sẽ đưa bão vào giấc ngủ say. Như quy luật muôn đời, đứa trẻ “bão” phải được ngậm “vú đất” mẹ thì sẽ êm dịu đi vào giấc ngủ, sẽ không quấy rối, không gây bất thường! “Xế chiều lượm chút lao xao/Ta ngồi ru bão chiêm bao bóng rằm”.

Bài thơ kết thúc là giấc mơ về một ngày không bão, một đêm trăng rằm yên ả. Ru bão mà ngỡ như ru chính mình, như chiêm nghiệm về nhân tình thế thái, như một lời cảnh báo sâu xa.

L.H

Ru bão

Thôi đừng bão nữa bão ơi!

Về đây nghe khúc ru hời của ta

Đất này bao cuộc can qua

Tố giông tơi tả xót xa lắm rồi.



Về ta lấy đất làm nôi

Ru cho bão biết dòng đời nông sâu

Dân như ngọn bí dây bầu

Gánh sông gánh núi bằng câu quê mùa.



Chóng quên cái chuyện thắng thua

Vô danh như thể chiêm mùa nở theo

Ta ru bão mảnh liềm treo

Giữa bao la vọng những kèo kẹt mây.



Tan nhanh mắt bão xô cây

Ta ru bão ngủ trên tay cánh đồng

Bão thành đứa trẻ mênh mông

Ngậm vào vú đất để không bất thường.



Cứ siêu bão chẳng ai thương

Nhẹ nhàng làn gió vào nương rì rào

Xế chiều lượm chút lao xao

Ta ngồi ru bão chiêm bao bóng rằm.

NGUYỄN HỮU QUÝ

Có thể bạn quan tâm