Điểm đến Gia Lai

Đôi điều về nhà hàng đặc sản Tây Nguyên ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tại TP. Pleiku, nhà hàng đặc sản truyền thống của đồng bào Jrai, Bahnar nở rộ đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Đây cũng là cách mời gọi du khách tìm đến, ghi dấu kỷ niệm với Pleiku, với Gia Lai; qua đó góp thêm nét phác họa về không gian văn hóa, trong đó có ẩm thực-khâu đột phá khá quan trọng trong chuỗi hoạt động tham quan, tìm hiểu của du khách.

Đầu tiên là tên gọi. Tên một số nhà hàng như: Cơm lam gà nướng Bazan-Pleiku, Tơ Nưng, Plây Cồng chiêng, Gà nướng cơm lam Rơ Châm Rô… có sự gợi mở đặc điểm thổ nhưỡng, tên những danh thắng, chất liệu âm nhạc với nhạc cụ dân tộc đặc sắc, thức món đặc trưng, họ tộc riêng có của tộc người... chỉ nghe qua đã háo hức muốn tìm đến, thưởng thức, khám phá. Dĩ nhiên, chủ nhân đặt tên nhà hàng có chủ đích, là từ khóa gợi trường liên tưởng đến lịch sử-văn hóa vùng miền; đến phong cách bài trí, không gian định vị, thực đơn, cung cách phục vụ… với mong muốn khẳng định thương hiệu; mời gọi, giữ chân thực khách lâu dài. Phải chăng đó cũng là ý nguyện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc dẫu chủ nhân nhà hàng không phải là người bản địa.

Không gian đậm chất Tây Nguyên của nhà hàng Tơ Nưng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Không gian đậm chất Tây Nguyên của nhà hàng Tơ Nưng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Ngày xưa, đồng bào bản địa Tây Nguyên dùng lửa đốt từ con vật nuôi đến muông thú săn bắt trên rừng, thủy sản dưới nước là chính yếu. Gia vị, thức chấm không có gì ngoài muối, ớt hiểm và một số loại lá cây tạo hương, cho vị ngọt đem giã dập lẫn nhau. Cả món rau, củ hầu như cũng thu hái từ thiên nhiên chứ không tự chăm trồng. Nếu ăn chín thì nướng vùi, nướng bọc lá. Ăn sống thì hơ qua lửa than cời, rồi vò dập hoặc cho vào cối giã lẫn lộn các loại. Có thể kể đến như các món nướng, cơm lam, lá mì. Tất nhiên, lá mì không chỉ là lá mì, vò cùng lá mì có quả cà bi, hoa đu đủ đực. Mùa nào thức ấy, củ măng le, đọt mây, rau rừng ven bờ suối làm món ăn luộc.

Hiện nay, các nhà hàng đều có đầu bếp chuyên nghiệp. Họ thay đổi thức món và đảm bảo sao cho không mất đi bản sắc với mong muốn đáp ứng tốt nhất khẩu vị thực khách mọi thành phần, độ tuổi. Như cách nướng con “gà leo cây”, giống gà có họ rất gần với gà rừng hoàn toàn khác trước. Được giết mổ, làm sạch theo quy trình, nướng chín đều qua hơi lửa than trước khi lên mâm thay vì đập chết, thui đốt cả lông, sau đó loại bỏ phần nội tạng không ăn được. Chính nhờ hơi than nóng, thịt gà chín đều mà không khô cứng, giữ hương thơm, vị ngon ngọt vốn có. Miếng thịt gà nướng xé phay được phát huy nhờ thức chấm muối lá é giã dập cùng trái ớt hiểm, thêm tí mì chính cho vị cay thanh tao, hương thơm nồng dịu, mặn vừa.

Tuy thế, nếu thực khách yêu cầu, nhà hàng sẵn sàng làm món gà hấp hành, gà hấp lá chanh. Thức chấm là muối chanh trộn với tiết gà chín, thêm vài hạt tiêu sọ, điểm lá chanh non thái ria sợi, cách ăn thịt gà thuộc về ẩm thực cư dân đồng bằng, ven biển.

Sở dĩ các nhà hàng đặc sản Tây Nguyên đều có món “đinh” trong chuỗi thực đơn: rượu ghè-cơm lam-gà nướng, nó bắt nguồn từ vật phẩm bắt buộc ở tất cả các lễ trong vòng đời người Tây Nguyên. Khi tiếp thu văn hóa ăn đũa thì thực đơn phát sinh món canh lá mì cà đắng. Hiểu rộng ra, có thêm nhiều thức món khác nhưng vẫn đậm đà bản sắc ẩm thực cư dân tại chỗ.

2. Điểm nhấn không gian kiến trúc nhà hàng đặc sản Tây Nguyên ở Pleiku là ngôi nhà sàn mô phỏng truyền thống. Nói là mô phỏng, bởi nguyên vật liệu làm nên ngôi nhà sàn phần nhiều giả gỗ, vật liệu mới. Cũng dễ hiểu, khi mà rừng tự nhiên bị thu hẹp, bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi người dân. Duy sàn nhà vẫn là gỗ, theo dấu thời gian lên nước sáng bóng. Nhiều thực khách ngồi xếp bằng hàng dọc trên sàn, thức món đặt ở giữa, cần rượu ghè như cành liễu la đà uốn cong. Đêm dần sâu, đứt chân cang vài lượt sắc màu thổ cẩm hiện ra từ âm nhạc, từ ánh lửa bập bùng giữa khuôn viên sân, từ nhân viên phục vụ… Và xoang. Vũ điệu mềm mại của các cô gái, chàng trai “diễn viên không chuyên” cuốn thực khách rời chỗ, cùng nắm tay đung đưa theo nhịp bước. Không gian văn hóa cồng chiêng lan tỏa có ánh mắt, nụ cười giao hòa và trải nghiệm; có cây nêu rủ bóng ánh đèn, tượng nhà mồ kích cỡ khác nhau, muôn vẻ sắc thái trần gian rời cõi atâu vào hội.

Không gian sinh tồn, nếp sinh hoạt cộng đồng làng đồng bào Tây Nguyên thu hẹp trong khuôn viên nhà hàng có cây xanh, bụi le, khóm chuối; tiểu cảnh hòn giả sơn suối khe róc rách; có mô hình kho chứa nông sản, chuồng gà, lối mòn quanh cỏ mượt; có nông, ngư cụ làm từ vật liệu truyền thống… được xếp đặt khéo léo, bài trí hợp lý. Với một khoảng thời gian không dài cũng đủ đáp ứng phần nào hành trình du lịch trải nghiệm văn hóa-ẩm thực của du khách, góp phần xác lập hệ giá trị, hình tượng, biểu tượng và linh hồn của làng.

Giới thiệu đôi nét về nhà hàng đặc sản Tây Nguyên ở Pleiku là đề cập đến du lịch theo hướng bảo tồn và phát triển văn hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng lại rất cần sự định vị đặc trưng văn hóa dân tộc, vùng miền quảng bá ra thị trường và tăng sức cạnh tranh. Thiết nghĩ, muốn định vị Pleiku, đầu tiên phải nghĩ đến ưu thế về vị trí, lợi thế về nguồn lực, thế mạnh về sức cạnh tranh, bề dày trầm tích văn hóa-lịch sử, lối sống và niềm tin xã hội của thị dân được đo-đếm bằng sự ủng hộ và thừa nhận của người dân, mức độ hài lòng của họ với thành phố mình đang sống.

Sự đồng tình và ủng hộ tạo năng lực tổng hợp, gồm xã hội hóa hoạt động du lịch trong chuỗi quy trình tổ chức kết nối các điểm đến, dừng chân hợp lý cả không gian và thời gian suốt hành trình trải nghiệm, thưởng ngoạn. Cuối cùng là đạt sự công nhận của các tổ chức chuyên môn, của cộng đồng, từ đó phát huy thương hiệu. Hẳn nhiên, cần thời gian lâu dài, tầm nhìn, ý chí, tình yêu và trách nhiệm.

Có thể bạn quan tâm