Du lịch

Hành trang lữ hành

Từ hành trình Tây Bắc nghĩ về du lịch Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vừa có chuyến hành trình lên Tây Bắc thăm lại Sa Pa và chứng kiến sự đổi thay khá kỳ diệu của mảnh đất này. Từ việc đầu tư và cách làm của “ngành công nghiệp không khói” ở Sa Pa, tôi có nhiều trăn trở khi nghĩ về du lịch ở tỉnh Gia Lai nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung.

Trời Sa Pa những ngày mùa hạ mưa nắng bất chợt. Nơi đây, bốn mùa sương khói, mây hợp mây tan đổi thay biết bao lần trong ngày bên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ thu hút các tay máy săn mây bận rộn bên con đường Violet mà người ta gọi bằng cái tên thân thuộc “ngõ Cầu Mây”. Phải thừa nhận là phong cảnh núi rừng Tây Bắc mùa nào cũng đẹp. Đặc biệt, mùa thu là thời điểm đẹp nhất trong năm khi mà những thửa ruộng bậc thang chín vàng bên những sườn núi trùng điệp. Trời se lạnh, các loài hoa bung nở khắp núi đồi, rất thích hợp cho những tay săn ảnh đẹp và cũng là mùa check-in của nam thanh nữ tú.

Chỉ chưa đầy 5 năm, trở lại Sa Pa lần này, tôi đã được chứng kiến sự đổi thay khá kỳ diệu của vùng đất này. Con đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai đã mở ra cánh cửa cho nơi địa đầu Tổ quốc phát triển khá nhanh. Thị trấn Sa Pa ngày trước còn hoang sơ chìm trong vẻ đẹp cổ kính và lãng mạn thì nay đã trở thành một đô thị sầm uất có tốc độ xây dựng nhanh, mạnh với đầy đủ dịch vụ, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Người ta xẻ núi, kè ta luy để lấy mặt bằng xây khách sạn, nhà hàng; họ chọn những thung lũng với cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn để làm điểm dừng chân, thu hút du khách chiêm ngắm cảnh đẹp.

Du khách chụp ảnh lưu niệm dưới chân núi lửa Chư Đang Ya, huyện Chư Păh. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Du khách chụp ảnh lưu niệm dưới chân núi lửa Chư Đang Ya, huyện Chư Păh. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Một trong những điểm nhấn của Sa Pa là đỉnh Fansipan, nơi cao nhất trong dãy Hoàng Liên Sơn mà bất cứ du khách nào cũng mơ ước chinh phục khi đặt chân đến đây. Ngày xưa, những ai có sức khỏe và mạo hiểm leo núi mới dám theo đoàn vượt cả hơn ngày đường lên đến nóc nhà Đông Dương cao 3.143 m. Hôm nay, người ta đã đầu tư hệ thống cáp treo ba dây hiện đại và hệ thống tàu điện để lên đến đỉnh. Các công trình chùa chiền, điểm dừng chân, vật trang trí khá đồ sộ trên từng bậc thang bên núi cũng được đầu tư một cách bài bản, hoành tráng và đẹp mắt.

Điều làm tôi ngạc nhiên là khi tham quan bản Cát Cát của người Mông, thuộc xứ Mường Hoa, cách thị xã Sa Pa khoảng hơn 2 km. Dù chủ yếu là đi bộ với con đường dốc hàng ngàn bậc đá xuống đến thung lũng có suối Cát Cát (suối Tiên Sa) thơ mộng trong lúc trời mưa tầm tã nhưng dòng người mặc áo mưa, che dù vẫn chen nhau đến với bản Mông mộc mạc, đầy hấp dẫn này. Các cô gái, chàng trai từ các vùng miền khác nhau khi đến với bản Cát Cát đều muốn hóa thân thành người Mông, người Dao, người Tày trong những bộ trang phục màu sắc sặc sỡ của người dân tộc bản địa, được thuê với giá không hề rẻ tại các shop trên dọc đường đi vào bản để check-in ở những điểm dừng chân. Đặc biệt, phong cách phục vụ du lịch từ đội ngũ nhân viên đến người dân đều lịch sự và chuyên nghiệp; trật tự tại các điểm du lịch và vệ sinh môi trường đều đảm bảo.

Nếu so sánh về phong cảnh và thế giới tự nhiên thì Tây Bắc và Tây Nguyên mỗi nơi có một sắc thái và vẻ đẹp riêng. Thực dân Pháp khi đô hộ nước ta cũng đã chọn những vùng núi cao, có khí hậu mát mẻ để làm nơi nghỉ dưỡng cho nhân viên và binh lính, sĩ quan; ở phía Bắc thì chọn Sa Pa; miền Trung chọn Bà Nà và Tây Nguyên chọn Đà Lạt. Những năm qua, khi các địa phương chọn ngành du lịch làm mũi nhọn để phát triển, thu hút đầu tư thì một số vùng Tây Bắc có tiềm năng đã đi trước một bước; tức là địa phương đã ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng việc kêu gọi các nhà đầu tư. Các hình thức du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa, trekking đã được người dân miền núi phía Bắc bắt nhịp sớm hơn và có những kinh nghiệm để thu hút du khách tốt hơn. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, các loại hàng hóa chế biến từ nông sản địa phương, từ các loại cây dược liệu của núi rừng Tây Bắc hay ẩm thực cũng khá phong phú được du khách ưa chuộng. Các địa phương nơi đây đã biết khai thác triệt để các loại hình vui chơi, văn hóa bản địa để giữ chân du khách lưu trú nhiều ngày và khiến họ lưu luyến muốn được trở lại lần sau. Việc quảng bá và kết nối tour được thực hiện bài bản, rộng rãi, du khách có điều kiện để chọn lựa tùy sở thích của mình.

Các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch không kém vùng Tây Bắc, nhưng lại chưa khai thác hết tiềm lực để đầu tư vào hạ tầng phục vụ du lịch; các dịch vụ chưa theo kịp với trào lưu chung, thiếu đa dạng, chưa thu hút được du khách. Việc khai thác văn hóa bản địa, các di tích lịch sử, văn hóa địa phương còn giản đơn, thiếu hấp dẫn. Đội ngũ làm công tác du lịch còn thiếu và chưa chuyên nghiệp.

Gia Lai đang sở hữu nhiều báu vật của thiên nhiên mà các nơi khác và vùng đồng bằng duyên hải không thể nào có được. Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh chưa có điều kiện khai thác hay chỉ khai thác dưới dạng thô, chưa đem lại lợi ích kinh tế. Thiết nghĩ, tỉnh cần đề ra nhiều chính sách ưu đãi về du lịch địa phương nhằm thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mạnh vào lĩnh vực này; trong vài năm tới phải tạo “cú hích” cho ngành du lịch trên địa bàn phát triển một cách bền vững, đem lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế địa phương.

Có thể bạn quan tâm