Xã hội

Đời sống

Đôi điều về tục đa thê của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ. Trong hôn nhân, người phụ nữ chủ động tìm “ý trung nhân”, cưới chồng và hoàn toàn tự nguyện, không phụ thuộc vào cha mẹ hay người thân trong gia đình.

Luật tục người Ê Đê quy định: “Trâu bò không ai ép thừng, trai gái không ai ép duyên. Nếu 2 người ưng nhau muốn lấy nhau thì vòng cứ đặt lên chiếu, tự họ sẽ cầm lấy, không một ai cầm trao cho họ”. Tìm trong luật tục của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, chúng ta cũng ít thấy các điều luật tục quy định cho người đàn ông lấy vợ lẽ. Người Jrai trong luật tục có lời khuyên cho cả đàn ông và đàn bà đã có gia đình: “Đừng có giẫm lên chiếu/Đừng có bước qua cửa phòng người ta/Cốc nước phải cầm, cái bến phải giữ…”. Bến nước của các dân tộc bản địa được xem là nguồn sống, nơi thiêng liêng của cộng đồng, không ai được làm ô uế; nó được ví như hạnh phúc, tình cảm vợ chồng vậy.

Tuy nhiên, trong luật tục Bahnar về hôn nhân gia đình lại có điều cho phép cưới vợ lẽ: “Người đàn ông nuôi vợ đã no, nuôi con đã lớn/Chiêng đã lắm la nhiều, thóc chất đầy bồ, lúa đã đầy kho/Trâu bò nhi nhúc như kiến, như mối/Muốn có thêm người thổi lửa nấu cơm/Muốn có thêm người gùi nước, tìm củi/Vợ lớn tiếng phải xin, lời phải báo/Của bồi đem giao cho vợ trước mặt người mai mối…”. Như vậy, người Bahnar xưa cho phép những ông chồng có của cải dư thừa, giàu có, nếu được người vợ lớn đồng ý thì có thể cưới thêm vợ lẽ để về phụ giúp gia đình với điều kiện cũng phải thực hiện lễ nghĩa theo đúng phong tục của cộng đồng.

Tìm đọc sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên thì thấy tục đa thê còn khá đậm nét ở thời kỳ cổ sơ. Trong trường ca Đam Sam, chúng ta thấy xuất hiện tục nối dây. Sau khi cậu chết, Đam San phải nối dây với 2 chị em H’Nhị và Bhi (vợ của cậu mình) và phải từ bỏ người yêu là H’Bia xinh đẹp. Khi trở thành tù trưởng hùng mạnh, giàu có với 2 người vợ đẹp như hoa, nhưng sau đó Đam San còn đi tìm và muốn cưới nữ thần Mặt trời. Các nhân vật phản diện trong trường ca như các tù trưởng Mtao Grư, Mtao Mxây có nhiều vợ nhưng cũng còn cướp người vợ đẹp H’Nhị của Đam San để rồi xảy ra những trận thư hùng…

Trong nhóm 26 sử thi Dăm Giông của dân tộc Bahnar mà Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng đã khảo sát thì đã có 16 nhân vật chính của sử thi này có 2 vợ. Thủ tục đính hôn với người vợ thứ 2 ít được miêu tả chi tiết. Nhưng nhìn chung, các bà vợ trong gia đình chung sống hòa thuận. Như trong sử thi “Giông làm nhà mồ” (A Lưu kể) thì Giông lấy Bia Phu và sau đó cưới thêm người đẹp Rang Năr rồi dẫn 2 người vợ từ hạ nguồn về sống ở thượng nguồn. Sử thi “Giông cứu nàng Rang Hu” (A Hon kể) với câu chuyện là Giông cứu Rang Hu khi nàng bị quái vật ở Biển Hồ nuốt chửng và sau đó họ đính ước với nhau. Sau đó, Giông cưới thêm nàng Rang Mah và cả 3 đều sống hạnh phúc. Hay trong sử thi “Giông kết bạn với Glaih Phang” (A Lưu kể) thì Giông đính ước với nàng Xe Đak ở hạ nguồn và sau đó cưới thêm vợ lẽ Rang Năr…

Dấu ấn chế độ đa thê trong văn học dân gian các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chỉ xuất hiện ở xã hội thời sơ khai với các tầng lớp có thế lực, nhiều của cải, không phổ biến ở hầu hết bộ tộc và nó cũng mờ nhạt dần trong chế độ mẫu hệ của các dân tộc. Ngày nay, chế độ đa thê không còn khi pháp luật về hôn nhân đã được thực thi nghiêm túc cộng với luật tục ở từng cộng đồng các dân tộc được thực hiện một cách nghiêm khắc.

Có thể bạn quan tâm