Thời sự - Bình luận

Đổi mới công tác xây dựng pháp luật, khơi thông nguồn lực để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Quốc hội phải đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trên tinh thần vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Bởi lẽ, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, điểm nghẽn lớn nhất cản trở phát triển là điểm nghẽn về thể chế.

Trong bối cảnh khi chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm 2024, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV phải giải quyết hàng loạt đòi hỏi của cuộc sống, của cử tri với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Vì thế, đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn.

Đồng thời cũng là kỳ họp đầu tiên thể chế hóa việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 và tháo gỡ nhiều vướng mắc mà người dân, doanh nghiệp rất mong đợi, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

2toan-van-phat-bieu-2-4831-5816-3204-8237.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH/NDO)

Thời gian qua, hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, ngày càng phát huy vai trò đại diện cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với 3 chức năng chính là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”-Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cho rằng chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.

Trong khi đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp…

40 năm qua, trong khi thế giới đã tăng trưởng 200 lần thì dù được đánh giá là tăng trưởng tốt, nhưng Việt Nam vẫn ở ngưỡng thấp. Cần có các biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn trong thời gian tới, không để những tồn tại về thể chế gây lãng phí nguồn lực, làm lỡ cơ hội phát triển của đất nước. Trách nhiệm này là của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là Quốc hội.

Vì vậy, cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, tạo đột phá tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế với tư duy “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực, tạo không gian phát triển mới”. Dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, để thể chế thực sự là động lực, là mục tiêu của sự phát triển.

Công tác xây dựng pháp luật đảm bảo các tiêu chí: luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; chỉ quy định những vấn đề khung, vấn đề có tính nguyên tắc mà không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên sẽ giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm tính linh hoạt.

Đổi mới công tác xây dựng pháp luật đi đôi với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; luật hóa các quy định của nghị định và thông tư; tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật.

Để pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành hành lang phát triển đất nước, Quốc hội cần thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Công tác giám sát phải phù hợp với thực tiễn, tránh trùng với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác gây phiền hà, lãng phí. Cần đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức, hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội, trong vai trò là cơ quan lập pháp của quốc gia.

Chỉ có đổi mới thì mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội. Đó còn là cách để gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế, nhất là điểm nghẽn về thể chế phát triển. Có như vậy, chúng ta mới có thể phát huy triệt để sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người dân và doanh nghiệp; biến khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, nỗ lực hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ, đưa đất nước tự tin, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

Có thể bạn quan tâm