Bạn đọc

Đổi mới - hội nhập và khẳng định thương hiệu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được thành lập ngày 16-1-1962 cùng với sự ra đời của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khoa Báo chí có chức năng, nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí-truyền thông cho hệ thống chính trị Việt Nam và bạn bè quốc tế ở các bậc học từ bồi dưỡng và đào tạo ngắn hạn, đại học, thạc sĩ đến tiến sĩ; đồng thời nghiên cứu học thuật, phát triển hệ thống lý luận về báo chí-truyền thông đáp ứng nhu cầu phát triển.

Ảnh: Minh Thi
 
55 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Báo chí đã đào tạo cho đất nước và bạn bè quốc tế được hơn 13.000 nhà báo. Trong đội ngũ nhà báo tốt nghiệp tại Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhiều người đã và đang giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của cả nước và ở các nước bạn anh em.

55 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Báo chí đã đào tạo cho đất nước và bạn bè quốc tế được hơn 13.000 nhà báo. Trong đội ngũ nhà báo tốt nghiệp tại Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhiều người đã và đang giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của cả nước và ở các nước bạn anh em. Nhiều nhà báo, nhà khoa học trưởng thành từ Khoa Báo chí có uy tín, làm nòng cốt trong giới học thuật về báo chí-truyền thông cũng như đoạt nhiều giải thưởng cao quý về nghiên cứu khoa học, báo chí, văn học-nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế.

55 năm phát triển, Khoa Báo chí liên tục đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế sâu, rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật và công nghệ truyền thông số hóa hiện nay.

Để đào tạo đội ngũ những người làm báo tương lai tiếp cận và phát huy năng lực của bản thân trong kỷ nguyên truyền thông số, PGS,TS. Nguyễn Văn Dững- Giảng viên cao cấp - Trưởng Khoa Báo chí cho biết: Đào tạo nguồn nhân lực báo chí-truyền thông trong môi trường truyền thông số là cung cấp và hướng dẫn người học khai thác các nguồn kiến thức để làm phong phú hệ kiến thức nền tảng, cung cấp phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, cách thức thuyết phục công chúng và dư luận xã hội để họ có khả năng thích ứng rộng sau khi ra trường; vừa nắm bắt những vấn đề thực tiễn đang vận động, vừa nắm vững quan điểm, định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước để đạo tạo nguồn nhân lực thích ứng với nhu cầu xã hội và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng đang đặt ra.

Đồng thời trong môi trường truyền thông số, khái niệm “báo chí kết nối” đang hình thành, cần chú trọng đào tạo vừa thu hẹp vừa mở rộng. Thu hẹp quy mô đào tạo nhà báo chuyên nghiệp để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo. Vì trong nền tảng kỹ thuật-công nghệ truyền thông đa nền tảng, nguồn tin từ báo chí chỉ là một phía-dù rất quan trọng, ngoài ra báo chí còn phải chú ý tới đa nguồn tin từ MXH, nhà báo công dân và truyền thông xã hội nói chung; do đó, báo chí cần kết nối với MXH để làm phong phú hóa nguồn tin, có phương pháp thẩm định, xác tín nguồn tin và “thâm nhập” vào thế giới MXH để lôi kéo công chúng, chiếm lĩnh thị trường... Do đó, cần thay đổi quan niệm từ đào tạo người viết báo thành đào tạo người vừa viết báo tốt vừa biết làm báo - có ý tưởng và biết tổ chức, kết nối nguồn lực xã hội.

 

Ảnh: Minh Thi
 
* Nhà báo Lương Văn Danh-Trưởng phòng Thư ký tòa soạn (Báo Gia Lai):


Tôi là một trong những người may mắn được đào tạo tại Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Nhiều năm qua, tôi đã áp dụng khá thành công những kiến thức đã học được tại Khoa Báo chí vào thực tiễn công tác tại địa phương. Hiện nay, tại Báo Gia Lai, nhiều cán bộ, phóng viên, biên tập viên trưởng thành từ “ngôi nhà chung” này.

Có thể khẳng định, Khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) là một trong những trung tâm có uy tín của cả nước về đào tạo kỹ năng làm báo cũng như quản lý báo chí. Để đáp ứng xu thế phát triển của báo chí hiện đại, những năm gần đây, Khoa Báo chí liên tục đổi mới chương trình đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế sâu rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật và công nghệ truyền thông số hóa hiện nay.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Khoa Báo chí, tôi xin kính chúc các thế hệ thầy-cô giáo sức khỏe dồi dào và tiếp tục thành công trong sự nghiệp “trồng người”.

Theo PGS,TS. Trương Ngọc Nam-Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì trong bối cảnh hiện nay, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin và trình độ dân trí ngày càng cao, các trường đào tạo báo chí buộc phải tư duy lại mô hình đào tạo của mình, phải đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo.

PGS,TS. Trương Ngọc Nam khẳng định: Bám sát mục tiêu “Lấy người học làm trung tâm, đào tạo theo nhu cầu xã hội”, có nghĩa là, nhà trường chỉ dạy cho sinh viên cái họ cần để hành nghề, chứ không phải cái nhà trường có, bảo đảm sau khi tốt nghiệp, họ có thể tìm được việc làm và sống được bằng nghề đã được đào tạo. Chính vì vậy, chương trình đào tạo phải sát với thực tế, có tính thực hành và ứng dụng cao, giảm thiểu lý thuyết, tăng cường kỹ năng thực hành, chỉ cung cấp cho sinh viên khối lượng kiến thức tinh gọn, căn bản và thiết yếu để làm được nghề báo (70-80% thực hành, 20-30% lý thuyết). Trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí-truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những đổi mới quan trọng theo cả chiều rộng và chiều sâu, có thể khái quát thành các hướng đi căn bản sau đây:

Thứ nhất, hoạt động đào tạo báo chí truyền thông phát triển theo hướng chuyên biệt hóa các loại hình, như: Báo in, Ảnh báo chí, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử... theo hướng tích hợp đa phương tiện. Xu hướng này đem lại cho người học các lựa chọn khác nhau, sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên sâu về một loại hình báo chí, mà còn có thể làm việc được trong môi trường truyền thông đa phương tiện hiện nay; Thứ hai, Học viện đã và đang xây dựng, triển khai một số chương trình đào tạo chất lượng cao, theo hướng tích hợp, có tính thực hành cao, trên cơ sở kế thừa các chương trình đào tạo quốc tế, nhằm nâng cao trải nghiệm học tập của sinh viên; Thứ ba, chương trình đào tạo được đổi mới theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế. Đây là con đường để Học viện đổi mới mô hình đào tạo, tiếp cận phương pháp đào tạo và quản lý đào tạo tiên tiến. Hiện nay, Học viện hợp tác với Đại học Middlesex, Vương quốc Anh để triển khai chương trình cử nhân Quảng cáo- Quan hệ công chúng và Truyền thông tại Học viện theo phương thức nhượng quyền. Chương trình này là đòn bẩy và động lực để triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, lấy sinh viên làm trung tâm; Thứ tư, chương trình đào tạo đang chuyển dần từ phương thức đào tạo chuyên sâu có tích hợp đa phương tiện, sang hoàn toàn tích hợp đa phương tiện...

Với đội ngũ cán bộ, giảng viên, cộng tác viên có học hàm, học vị và chuyên môn cao về báo chí-truyền thông, Khoa Báo chí tự tin xây dựng và phát triển thương hiệu là một cơ sở đào tạo báo chí-truyền thông uy tín, chất lượng đầu tàu trong nước và tích cực hội nhập quốc tế.

 Minh Thi

Có thể bạn quan tâm