Xã hội

Đời sống

Đội ngũ cô đỡ thôn bản góp phần chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Ngày 1-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn đào tạo cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cho 27 cô đỡ thôn bản tại các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian từ ngày 1 đến 5-7, các cô đỡ thôn bản được đội ngũ bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh truyền đạt những nội dung về chăm sóc trước, trong và sau sinh như: Vận chuyển bà mẹ và trẻ sơ sinh đến cơ sở y tế an toàn; quản lý thai và chăm sóc bà mẹ thời kỳ thai nghén; xử trí các dấu hiệu bất thường khi mang thai; phát hiện chuyển dạ, xử trí trong chuyển dạ; chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ có sử dụng gói đỡ đẻ sạch; xử trí trẻ không thở ngay sau đẻ; xử trí ban đầu chảy máu trong và ngay sau đẻ; chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà trong ngày đầu sau đẻ; chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà từ ngày thứ 2 đến hết 6 tuần đầu sau đẻ.

Quang cảnh lớp tập huấn. Ảnh: K.P
Quang cảnh lớp tập huấn. Ảnh: K.P

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thanh Hương-Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai) cho hay: “Tại lớp tập huấn, các cô đỡ thôn bản, nhân viên y tế cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại từng địa phương, nêu ra những khó khăn thường gặp khi chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Qua trao đổi thực tế, những thắc mắc của các cô đỡ thôn bản nêu ra đã được chúng tôi giải đáp cụ thể, hướng dẫn thực hành các nội dung về đỡ đẻ thường có sử dụng gói đỡ đẻ sạch; xử trí chảy máu sau đẻ; xử trí trẻ không thở ngay sau đẻ...”.

Lớp tập huấn nhằm cập nhật các kiến thức, kỹ năng thực hành về chăm sóc trước, trong và sau sinh cho cô đỡ thôn bản, giúp họ tự tin hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, cải thiện chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại cộng đồng. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cơ đỡ về công tác chăm sóc trước, trong và sau sinh là hoạt động quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ mang thai và thai nhi trong quá trình thai nghén cũng như sau khi sinh. Qua đó, giúp giảm thiểu rủi ro cho bà mẹ trong quá trình mang thai và làm tăng cơ hội an toàn và khỏe mạnh cho cả mẹ và trẻ sơ sinh.

Ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai-cho biết: “Trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các bà mẹ, điều quan trọng là năng lực của các cô đỡ thôn bản. Bởi vì đội ngũ này là những người tuyến đầu, ở ngay cơ sở, gần gũi với các bà mẹ nhất và là những người biết được, quản lý được các bà mẹ trong suốt quá trình mang thai, từ vấn đề sức khỏe thai kỳ cho đến sinh hoạt, điều kiện kinh tế-xã hội... Bởi vậy, để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh-là một trong số mục tiêu phát triển bền vững-thì vai trò của các cô đỡ thôn bản là rất quan trọng trong hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số".

Lớp tập huấn giúp các cô đỡ thôn bản nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ảnh: K.P
Lớp tập huấn giúp các cô đỡ thôn bản nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ảnh: K.P

Nội dung chương trình tập huấn rất thiết thực, giúp đội ngũ cộng tác viên y tế, cô đỡ thôn bản cập nhật lại những kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện kịp thời các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.

Các cô đỡ thôn bản ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là mắt xích quan trọng, "tài sản quý" trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản. Duy trì và phát huy năng lực của đội ngũ cô đỡ thôn bản đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giúp cứu sống nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh; qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số.

"Đây là hoạt động nằm trong nhóm hoạt động triển khai Dự án 7-Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng-chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025"-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm