Sức khỏe

Gia Lai có 150 cô đỡ thôn bản đang hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, năm 1992, lớp đào tạo cô đỡ thôn bản (CĐTB) lần đầu tiên được tổ chức cho tỉnh tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh). Từ đó đến nay, tổng số CĐTB được đào tạo tại Bệnh viện Từ Dũ là 103 cô.

Ngoài ra, bằng nhiều nguồn đào tạo khác nhau, hiện tổng số CĐTB toàn tỉnh được đào tạo là 219 cô (100% là đồng bào dân tộc thiểu số). Số CĐTB đang hoạt động là 150 cô; trong đó 114 cô vừa thực hiện nhiệm vụ CĐTB vừa là nhân viên y tế thôn bản.

Một lớp tập huấn cho đội ngũ cô đỡ thôn bản Gia Lai tổ chức tại TP. Pleiku tháng 12-2022. Ảnh: Như Nguyện

Một lớp tập huấn cho đội ngũ cô đỡ thôn bản Gia Lai tổ chức tại TP. Pleiku tháng 12-2022. Ảnh: Như Nguyện

Trải qua 30 năm hoạt động, CĐTB đã chứng minh được vai trò quan trọng của mình trong hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, bảo đảm sinh đẻ an toàn tại các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế các tuyến. Nhờ có đội ngũ CĐTB, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được nâng lên. Năm 2012, tỷ số chết mẹ tại Gia Lai ở mức rất cao 38/100.000 trẻ đẻ sống, đến nay tỷ số này đã giảm xuống còn 20/100.000 trẻ đẻ sống. Năm 2012 số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ là 84,04% đến nay chỉ số này tăng lên 94,1%.

Nhân kỉ niệm 30 năm thành lập đội ngũ CĐTB, dự kiến ngày 10-3, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ CĐTB tại Hà Nội. Hội nghị dự kiến sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 15 tỉnh, thành, đại diện các địa phương có đội ngũ CĐTB và 30 CĐTB tiêu biểu trên toàn quốc. Gia Lai có 2 CĐTB tiêu biểu sẽ tham dự hội nghị gồm: Hnhach (làng ArQuat, xã Đê Ar, huyện Mang Yang) và Tyai (làng Kon Pơ Dram, xã Hà Đông, huyện Đak Đoa).

Có thể bạn quan tâm