Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đôi quang gánh của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Ai tàu hũ, bánh lọc nóng không?”. Tiếng rao ấm áp, giản dị ấy là của bà Hóa đã bước qua tuổi 60. Hàng ngày, cứ tầm xế chiều, bà lại quảy đôi quang gánh bán dạo trong xóm tôi. Bóng gầy đổ dài theo ánh nắng chiều, mồ hôi rịn thấm lưng áo dễ nhận ra bà đã mang trên vai biết bao lo toan, vất vả. 
Bà Hóa kể: Quê bà ở Quảng Ngãi, mưu sinh bằng gánh tàu hũ. Chồng mất sớm, một mình bà tất tả nuôi con khôn lớn. Ngặt nỗi, cậu con trai ương bướng, ngỗ nghịch; suốt ngày chỉ biết chơi bời, cờ bạc. “Rồi tới ngày bị người ta tới xiết nợ, bán căn nhà nhỏ cũng không đủ trả nợ. Tôi đành phải mang con trai lên Pleiku mưu sinh, khi đi mang theo đôi quang gánh này. Nó không chỉ là vật mưu sinh mà còn là tri kỷ của tôi nơi đất khách quê người”-bà Hóa nói trong nước mắt.
Bà kể cho tôi nghe chuyện riêng, như một cách để vơi bớt nỗi lòng. Đưa tay quệt vội giọt nước mắt, bà đứng lên nhìn tôi rồi nói: “Bà gánh hàng đi bán tiếp đây! Hôm sau lại mua ủng hộ bà nhé”. Nhìn bóng dáng bé nhỏ của bà Hóa khuất xa cuối con hẻm, trong lòng tôi bao nỗi trăn trở.
Bà Hóa cũng như nhiều người mẹ lam lũ ngoài kia, ngoài các con thì đôi quang gánh là tài sản mà họ gắn bó, nâng niu suốt cuộc đời mình. Đôi quang gánh ấy dãi dầu sương gió, gánh theo cả những lo toan, khó nhọc. Nhưng điều mà tôi cảm phục chính là nghị lực của họ. Họ không bao giờ dừng bước và đầu hàng số phận, cho dù nhiều lúc tưởng chừng như “cơn bão” cuộc đời sẽ đánh ngã họ. Và rồi, dù nắng hay mưa, dù giá lạnh hay đêm tối, những gánh hàng rong “gánh” biết bao số phận vẫn đi về trên các ngõ phố.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Nhìn những đôi quang gánh ngược xuôi trên phố thị, tôi nhớ về mẹ của mình. Trước kia, mẹ tôi vừa lo đồng áng, vừa tảo tần buôn bán ngược xuôi để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hình ảnh đôi quang gánh vì thế cũng khắc sâu vào tâm trí tôi. Đôi quang gánh của mẹ được làm từ cây mây và được đan khéo léo, nối giữa là chiếc đòn gánh được làm từ cây tre già. Ở hai đầu đòn gánh được gắn thêm mấu để giữ cho đôi quang gánh không bị trôi tuột đi.
Đôi quang gánh đã cùng mẹ tôi ra đồng để gánh mạ cấy lúa, quảy phân bón cho cây trong vườn thêm tốt và gánh cả lũ trẻ chúng tôi trong những ngày tất bật chạy bão. Vụ mùa bội thu, quang gánh của mẹ lại nặng trịch những lúa, những khoai. Mồ hôi ướt đẫm vai áo, tiếng quang gánh của mẹ như reo vui cùng khóe mắt hằn chi chít vết chân chim nhưng vẫn ánh lên niềm hy vọng về cuộc sống đủ đầy cho các con của mình. Bây giờ, tuổi mẹ đã cao, cuộc sống cũng đủ đầy hơn, nhưng đôi quang gánh ngày nào vẫn được mẹ cất giữ gọn gàng nơi góc bếp. Điều đó như nhắc nhở chúng tôi về những tảo tần, hy sinh của mẹ và biết trân trọng những gì mình đang có.
Không biết đã có bao nhiêu đứa trẻ lớn lên, trưởng thành từ đôi quang gánh nhọc nhằn của mẹ. Và có bao nhiêu người biết trân trọng, thương yêu, sẻ chia cùng những vất vả của mẹ? Hay như số phận của bà Hóa mà tôi biết, lại phải gồng gánh trọn một đời?
MAI KA
 

Có thể bạn quan tâm