Điểm đến Gia Lai

Đổi thay ở xã Uar

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau 30 năm kể từ ngày thành lập đến nay, xã Uar (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) không ngừng đổi mới và phát triển. Đến nay, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn khang trang, khởi sắc.
Sau 30 năm kể từ ngày thành lập, xã Uar (huyện Krông Pa) không ngừng đổi thay, phát triển. Ảnh: L.N

Sau 30 năm kể từ ngày thành lập, xã Uar (huyện Krông Pa) không ngừng đổi thay, phát triển. Ảnh: L.N

Xã Uar được thành lập ngày 11-7-1994, trên cơ sở chia tách xã Chư Drăng. Hiện xã có 5 thôn, buôn, 1.191 hộ với 5.444 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 69%.

Bí thư Đảng ủy xã Hà Văn Mạnh cho biết: Những ngày đầu thành lập, xã gặp rất nhiều khó khăn. Nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, cơ sở vật chất hầu như không có gì, đời sống của người dân vô cùng khó khăn; trên 90% dân số mù chữ; tình hình an ninh chính trị phức tạp. Sau 30 năm xây dựng và phát triển, xã đã đạt được những thành tựu ấn tượng.

Đến nay, tổng diện tích gieo trồng hơn 4.233 ha với những loại cây trồng chủ lực như: điều, thuốc lá, bắp, mè, mì, lúa nước. Người dân cũng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất đạt cao. Chăn nuôi cũng là thế mạnh của xã khi chiếm hơn 25% trong cơ cấu nông nghiệp với tổng đàn gia súc, gia cầm gần 13.800 con. Năm 2023, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp chiếm 75%; ngành xây dựng chiếm 5%; ngành thương mại dịch vụ chiếm 20%.

Hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông được đầu tư đồng bộ, nhiều tuyến đường nội thôn, liên thôn được đầu tư nâng cấp và mở rộng. Đến nay, các thôn, buôn đã có đường ô tô thông suốt. Hệ thống trường học, trạm y tế, bưu điện văn hóa, nhà văn hóa cộng đồng, công trình nước sạch được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp.

Ông Nguyễn Ngọc Duyên (thôn An Bình) cho hay: “Hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được đầu tư giúp người dân đi lại thuận lợi. Trường học được xây dựng khang trang tạo điều kiện cho các cháu học hành tốt hơn. Trạm Y tế xã được đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

Người dân xã Uar nhận giống mì mới HN5 có khả năng kháng bệnh khảm lá vi rút để trồng trong vụ mùa 2023. Ảnh: L.N

Người dân xã Uar nhận giống mì mới HN5 có khả năng kháng bệnh khảm lá vi rút để trồng trong vụ mùa 2023. Ảnh: L.N

Thời gian qua, nhờ triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia nên tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 80% (năm 1994) giảm xuống còn 14,8% (cuối năm 2023); thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm. Năm 2024, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 9,07%.

Ông Rah Lan Phi Ôn-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tiang-cho hay: “Năm 2021, buôn Tiang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cuộc sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng nâng lên. Buôn còn 62 hộ nghèo, 24 hộ cận nghèo. Năm nay, chúng tôi đăng ký và phấn đấu 27 hộ thoát nghèo”.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng có nhiều khởi sắc. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo chuyển biến mạnh mẽ, chất lượng dạy và học được nâng lên. Lúc mới thành lập, xã chỉ có 1 trường tiểu học với hơn 100 học sinh, tỷ lệ trẻ em đến trường ở mức 15%, gần 60% dân số mù chữ.

Đến nay, toàn xã có 3 trường đạt chuẩn quốc gia ở 3 bậc học (mầm non, tiểu học và THCS) với trên 1.300 học sinh; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường hàng năm đạt 98%. Ngoài ra, xã đã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục ở 3 cấp học. Năm 2019, Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Trao đổi về định hướng phát triển trong thời gian tới, Bí thư Đảng ủy xã Uar nhấn mạnh: Cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa.

Bên cạnh đó, xã tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ cho việc sản xuất của người dân. Cùng với đó, đầu tư các tuyến đường ra khu sản xuất để người dân đi lại, vận chuyển vật tư nông nghiệp, hàng hóa thuận tiện, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Có thể bạn quan tâm