Bạn đọc

Krông Pa nhiều xã “rớt chuẩn” tiêu chí nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Sau khi rà soát, đánh giá lại theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, tất cả các xã trên địa bàn huyện Krông Pa đều bị “rớt chuẩn” nhiều tiêu chí NTM.
Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều tuyến đường giao thông nội ở buôn Bluk (xã Phú Cần) được bê tông hóa. Ảnh: Lê Nam

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều tuyến đường giao thông nội ở buôn Bluk (xã Phú Cần) được bê tông hóa. Ảnh: Lê Nam

Năm 2018, Phú Cần là xã đầu tiên của huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, qua rà soát theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025, Phú Cần chỉ đạt 13/19 tiêu chí. Hiện 6 tiêu chí chưa đạt gồm: cơ sở vật chất văn hóa; thông tin và truyền thông; hộ nghèo đa chiều; lao động; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; y tế. Ông Nông Đức Công-Chủ tịch UBND xã-cho hay: Hiện nay, xã còn 129 hộ nghèo, chiếm 8,08%; 188 hộ cận nghèo, chiếm 11,77%. Tỉ lệ hộ nghèo của xã tăng do áp dụng tiêu chí chuẩn nghèo mới. Ngoài ra, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương khó thực hiện; chưa thực hiện sổ khám chữa bệnh điện tử. “Thời gian tới, các cấp, ngành của huyện, tỉnh cần tiếp tục có chương trình tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về xây dựng NTM đối với cán bộ chuyên trách theo dõi NTM xã. Đồng thời, tổ chức cho các xã đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, mô hình xây dựng NTM điển hình để có kinh nghiệm về áp dụng triển khai tại địa phương tốt hơn”-Chủ tịch UBND xã Phú Cần kiến nghị.

Thành viên trong nông hội trồng lúa nước chất lượng cao xã Chư Drăng, Krông Pa trao đổi kinh nghiệm làm lúa nước. Ảnh: Lê Nam

Thành viên trong nông hội trồng lúa nước chất lượng cao xã Chư Drăng, Krông Pa trao đổi kinh nghiệm làm lúa nước. Ảnh: Lê Nam

Tương tự, rà soát theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025, xã Chư Drăng đạt 8/19 tiêu chí (giảm 7 tiêu chí so với cuối năm 2022). Các tiêu chí chưa đạt, gồm các tiêu chí số 3, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 15, 17, 18, 19. Ông Ksor Rơ-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: Hiện nay, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn xã còn khó khăn do nhiều tiêu chí khó thực hiện. Cụ thể, đặc thù của xã không có hệ thống kênh mương, người dân sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên và không có điều kiện đầu tư máy bơm, xa nguồn nước nên rất khó kéo nước vào khu sản xuất; chỉ tiêu 8.4, khó thực hiện bởi đa số người dân làm trực tiếp và ít sử dụng điện thoại thông minh hoặc sử dụng chưa đồng bộ, đặc biệt thời gian xử lý hồ sơ lâu. Ngoài ra, xã còn 295 hộ nghèo, 262 hộ cận nghèo nên tỷ lệ nghèo đa chiều chiếm 36,05%, quá cao so với quy định; thu nhập bình quân đầu người được 30,4 triệu đồng/năm, còn quá thấp (quy định đạt chuẩn năm 2024 là 50 triệu đồng/người/năm)...

Được biết, huyện Krông Pa có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM trước đây gồm: Phú Cần, Ia Mlah và Uar. Tuy nhiên, sau khi rà soát theo Bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2021-2025 áp dụng trên địa bàn tỉnh thì cả 3 xã này đều bị “rớt chuẩn” một số tiêu chí NTM. Cụ thể, xã Phú Cần và xã Ia Mlah đều “rớt chuẩn” 6 tiêu chí, xã Uar “rớt chuẩn” 8 tiêu chí.

Công trình mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Ma Giai sang buôn Ia Rpua (xã Đất Bằng) hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Lê Nam

Công trình mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung buôn Ma Giai sang buôn Ia Rpua (xã Đất Bằng) hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: Quy định đạt chuẩn của giai đoạn 2021-2025 có nhiều nội dung mới, cao hơn, cần nhiều nguồn lực hơn để đạt chuẩn. Khó khăn, vướng mắc chung của huyện đó là hiện nay các nhà văn hóa xã trên địa bàn huyện không đảm bảo các phòng chức năng theo quy định; nhà văn hóa các thôn, làng trên địa bàn các xã đa số diện tích nhỏ, không có các công trình phụ trợ kèm theo như: nhà vệ sinh, cổng, tường rào bảo vệ theo quy định, vì vậy rất khó để đạt được tiêu chí.

Theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, trung bình mỗi xã huyện Krông Pa đạt được 9,4 tiêu chí, không có xã nào đạt 15-18 tiêu chí; có 5/13 xã đạt 10-14 tiêu chí (Phú Cần, Ia Mlah, Chư Gu, Uar, Ia Rmok); có 8/13 đạt dưới 10 tiêu chí (Chư Ngọc, Đất Bằng, Ia Rsai, Chư Rcăm, Ia Rsươm, Ia Hdreh, Chư Drăng, Krông Năng).

Cũng theo ông Châu, việc đánh giá tiêu chí thu nhập theo chỉ đạo của Cục Thống kê tỉnh sẽ thực hiện trên hệ thống, chọn mẫu bất kỳ. Tuy nhiên, việc hệ thống chọn ngẫu nhiên mẫu để đánh giá tiêu chí thì chưa hợp lý vì nếu trường hợp hệ thống lựa đúng mẫu của những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có mức thu nhập thấp sẽ dẫn đến thu nhập của xã thấp, ngược lại hệ thống chọn mẫu của những hộ kinh doanh, có điều kiện kinh tế thì thu nhập của toàn xã cao. Vì vậy, việc lựa chọn ngẫu nhiên không phản ánh được thực chất thu nhập của người dân trên địa bàn xã. Đối với chỉ tiêu 13.3 việc thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương nhưng người dân chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, cây trồng ngắn ngày, thuê đất ngắn hạn… nên rất khó triển khai. Chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung nhưng mật độ dân cư ở các xã thưa và cần kinh phí rất lớn, gây lãng phí đầu tư. Tỷ lệ vốn đối ứng và quay vòng vốn của các dự án phát triển sản xuất từ 3 chương trình MTQG rất cao trong khi đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng để đối ứng vì thế việc triển khai dự án rất khó. Ngoài ra, các xã đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn NTM từ năm 2018 đến nay cơ sở hạ tầng đã xuống cấp nhưng nguồn vốn của chương trình phân bổ cho xã rất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu của địa phương để đạt chuẩn các tiêu chí xã NTM... Nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ hơn 34,3 tỷ đồng (bình quân mỗi xã đạt chuẩn phân bổ hơn 2,6 tỷ đồng) chưa đủ để hoàn thiện các chỉ tiêu/tiêu chí, trong khi ngân sách của huyện và việc huy động các nguồn lực khác thực hiện chương trình còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Có thể bạn quan tâm