Kinh tế

Nông nghiệp

Đòn bẩy để nông nghiệp Gia Lai phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, Gia Lai đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ đó, ngành nông nghiệp đã có bước đột phá trong sản xuất và chế biến, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Thành quả này là động lực để ngành nông nghiệp tự tin cất cánh những năm tới.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Gia Lai có tiềm năng đất đai rộng lớn với 800 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ, phù hợp các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, hồ tiêu, mía, mì, bắp… cũng như chăn nuôi đại gia súc. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường bộ gồm nhiều tuyến quốc lộ như 14, 19, 25… kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; Cảng Hàng không Pleiku với những chuyến bay hàng ngày đi đến các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… cùng các khu/cụm công nghiệp, khu kinh tế được quy hoạch ở các địa phương là lợi thế để Gia Lai thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

 Lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) ký kết bản ghi nhớ chương trình hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) ký kết bản ghi nhớ chương trình hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy


Trên cơ sở những lợi thế sẵn có, ngày 10-7-2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 102/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm cây ăn quả; sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hoặc thực hành nông nghiệp tốt (GAP); ứng dụng công nghệ cao. Các chính sách hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ lãi suất vay thương mại, hỗ trợ tập trung đất đai, chi phí đánh giá và cấp chứng nhận nông nghiệp hữu cơ hoặc quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) tại các khu, vùng tập trung đất đai.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/2019/NQ-HĐND, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách đặc thù của địa phương khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, hợp tác trong nước và quốc tế nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Kết quả, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã thu hút 122 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm nghiệp và chế biến nông-lâm-thủy sản với tổng vốn đầu tư 11.126 tỷ đồng, đạt trên 203% kế hoạch.

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Để phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tỉnh đã thu hút 98 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 30 dự án trồng trọt và 68 dự án phát triển chăn nuôi với tổng vốn gần 10 ngàn tỷ đồng.

Nhiều dự án mang lại hiệu quả cao như của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp… Đặc biệt, Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú và Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp khác học tập áp dụng trong sản xuất kinh doanh.

Huyện Phú Thiện là một trong những địa phương tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho hay: “Những năm gần đây, huyện thường xuyên mời gọi, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: chăn nuôi công nghệ cao, chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc… Đến nay, huyện đã thu hút trên 10 doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư. Trong đó, một số đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao và đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị đi vào hoạt động. Đây là tiền đề rất quan trọng để huyện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương”.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến

Với quan điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên, những năm gần đây, công tác cải cách hành chính, cải thiện các cơ chế chính sách về thu hút đầu tư đã được tỉnh chú trọng. Việc thu hút đầu tư tạo hướng phát triển được thực hiện trên cơ sở chọn lọc những dự án có chất lượng, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.

 Công nhân Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) thu hoạch rau thủy canh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) thu hoạch rau thủy canh. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Phan Đình Huy-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phúc Huy Gia Lai-cho biết: “Là doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn 2 huyện Phú Thiện và Chư Sê, tôi thấy các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh rất phù hợp. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp được các cơ quan, đơn vị tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại làng Kte (xã Hbông, huyện Chư Sê) với quy mô 24.000 con heo nái. Hiện tại, Công ty đầu tư xây dựng thêm trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Phú Thiện”.

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: “Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Vì vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao; chủ động đề xuất các cấp có thẩm quyền công nhận những đơn vị đã đầu tư đi vào hoạt động là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành một số đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2040; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm trên các loại cây trồng; phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic và các tiêu chuẩn khác để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản xuất khẩu, tạo động lực cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững”.

NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm