Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.

Năm 2014, khi giá hạt cà phê xuống thấp, được sự động viên của một số đồng chí lãnh đạo UBND xã và Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Puch, gia đình chị Phạm Thị Mừng (trú làng Bỉ) mạnh dạn phá bỏ 6 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh để chuyển sang mô hình trồng đa canh với bưởi da xanh, chôm chôm và mít thái.

Tiếp thu lời động viên của Bộ đội Biên phòng, gia đình chị Phạm Thị Mừng có thu nhập 500 triệu đồng/năm từ trồng cây ăn trái. Ảnh: T.D

Tiếp thu lời động viên của Bộ đội Biên phòng, gia đình chị Phạm Thị Mừng có thu nhập 500 triệu đồng/năm từ trồng cây ăn trái. Ảnh: T.D

Chị Mừng tâm sự: “Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy ở khu vực biên giới của huyện có nhiều hộ trồng cây ăn trái quanh nhà để che mát hoặc phục vụ nhu cầu của gia đình. Họ chỉ trồng vài cây thôi nhưng chúng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng này. Cây bưởi da xanh được vợ chồng tôi chọn làm loại cây chính trong mô hình đa canh cây ăn trái. Thực tế chứng minh quyết định này là đúng đắn. Bưởi trong vườn nhà cho quả to, đều và ngọt nước. Điều đáng nói là vùng này khí hậu nắng nóng nhất nhì tỉnh nhưng quả bưởi mọng nước và ngọt hơn nơi khác. Các hộ kinh doanh trái cây ở một số chợ trong tỉnh rất ưa thích trái cây do gia đình nhà tôi trồng nên họ thường gọi điện dặn đặt hàng trước. Riêng với quả bưởi, ngày đầu tháng và rằm, có bao nhiêu là họ mua hết bấy nhiêu. Nhờ vậy mà mỗi năm, gia đình có thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng. Chúng tôi cũng mới mua thêm 2 ha đất để trồng thêm cây quýt, dừa và sầu riêng. Để có được ngày hôm nay, công lao của một số anh em công tác ở Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Puch không nhỏ. Chính họ đã khuyên gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có thu nhập ổn định hơn. Bộ đội Biên phòng còn hướng dẫn vợ chồng tôi kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái”.

Nhiều hộ dân làng Chư Có có thu nhập ổn định từ trồng lúa nước với sự giúp sức của Bộ đội Biên phòng. Ảnh: T.D
Nhiều hộ dân làng Chư Có có thu nhập ổn định từ trồng lúa nước với sự giúp sức của Bộ đội Biên phòng. Ảnh: T.D

Không riêng gia đình chị Mừng, nhiều hộ dân khác trong xã còn được Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức phát triển kinh tế hộ gia đình. Đơn cử như việc giúp dân làng Chư Có trồng lúa nước đạt năng suất cao hơn. Theo bà Siu Bin-Thôn trưởng làng Chư Có: Trước đây, cánh đồng của làng chỉ có 1,5 canh tác được thôi, chủ yếu là dựa vào nước trời nên năng suất thấp lắm. Được sự quan tâm của cấp chính quyền, doanh nghiệp và Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn, cánh đồng được cải tạo, mở rộng diện tích canh tác tới 7 ha. Hiện có 10 hộ dân trong làng trồng lúa nước ở cánh đồng này với năng suất 6-7 tấn/ha/vụ. “Lúa nước hai vụ không chỉ đảm bảo lương thực mà còn đem lại ấm no cho nhiều hộ dân trong làng. Nhiều hộ dân trong làng rất biết ơn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch bởi đã giúp thoát nghèo. Không chỉ nắm tay chỉ việc canh tác lúa nước, Bộ đội Biên phòng còn hướng dẫn kỹ thuật điều khiển máy cày, máy bơm nước để đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất. Khi đến vụ sản xuất hay thu hoạch lúa, Đồn Biên phòng Ia Púch đều cử lực lượng ra cánh đồng phụ giúp các hộ dân. Người giúp lái máy cày lúa, người giúp gặt hái”-bà Bin chia sẻ.

Thiếu tá Rơ Ô Thuy-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Púch thông tin: "Đa phần dân cư ở khu vực biên giới có cuộc sống khó khăn. Để giúp đỡ bà con, chúng tôi cùng ra đồng, vừa tuyên truyền vừa làm trực quan để bà con học tập. Mình cứ nói chọc tỉa năng suất thấp, vất vả nhưng không hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì năng suất cao sao được. Vậy nên từ lái máy cày, sử dụng bơm điện đến dùng giống mới và bón phân đúng kỹ thuật đều được chúng tôi hướng dẫn. Đến vụ, chúng tôi cũng ra đồng giúp bà con thu hoạch nông sản".

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch giúp dân làng Chư Có làm ruộng. Ảnh: T.D
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch giúp dân làng Chư Có làm ruộng. Ảnh: T.D

Chủ tịch UBND xã Ia Púch Lê Văn Tuấn cho biết: Đối với cánh đồng làng Chư Có,cấp ủy và chính quyền xã đã chỉ đạo hệ thống chính trị vào cuộc cùng với Đồn Biên phòng Ia Puch hỗ trợ về người, vật chất, phân bón để giúp dân làng trồng lúa nước trong thời gian qua. Từ chỗ có nhiều hộ chưa biết trồng lúa, nay đã chủ động được kỹ thuật trồng trọt với sản lượng khoảng 4-5 tạ/1 sào. Có nhiều hộ tích trữ được tiền từ bán lúa sau thu hoạch rồi mua thêm đất đai trồng các loại cây khác và vươn lên thoát nghèo. "Ngoài ra, chúng tôi cũng đã cùng với Bộ đội Biên phòng Ia Púch giúp cho khá nhiều gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đạt hiệu quả khả quan. Mặt khác, Bộ đội Biên phòng cũng tham gia tích cực trong xây dựng nông thôn mới ở xã; cử lực lượng hỗ trợ dân dựng chuồng trại, sửa hàng rào và tuyên truyền thay đổi nếp nghĩ cách làm, chấp hành quy định của pháp luật. Qua đó đã góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển và duy trì công tác đảm bảo an ninh biên giới tại địa phương"-ông Lê Văn Tuấn nói thêm.

Có thể bạn quan tâm