Kinh tế

Giá cả thị trường

Đơn hàng online bị trả tăng đột biến, doanh nghiệp thương mại điện tử viết "tâm thư" mong Thủ tướng gỡ khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ về việc giới hạn phạm vi giao hàng, bởi số lượng đơn online đang bị hoàn trả tăng đột biến.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết tổng hợp khó khăn của các sàn thương mại điện tử cho thấy, gần đây, tỷ lệ đơn hàng bị hoàn trả tăng đột biến do người nhận bị cách ly cũng như các biện pháp quản lý chưa phù hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cần tạo điều kiện thuận lợi để duy trì hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ cuộc sống người dân cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19.


 

Shipper các sàn thương mại điện tử gặp khó khi giao hàng tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc
Shipper các sàn thương mại điện tử gặp khó khi giao hàng tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc


Theo ông, trong thời gian nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc vận hành tốt hoạt động thương mại điện tử sẽ có ý nghĩa lớn. Nhưng gần đây đã bộc lộ một số nhận thức và giải pháp quản lý thương mại điện tử chưa phù hợp.

Đặc biệt là về địa điểm hoạt động, các sàn thương mại điện tử là nơi trung gian hỗ trợ người mua và người bán, mỗi sàn có thể lên đến hàng chục nghìn người bán và đông đảo người mua.

"Do sự đa dạng như vậy nên tỷ lệ người mua và người bán nằm trên cùng một quận huyện là không cao. Hơn nữa, mỗi chuyến người giao hàng có thể có nhiều khách ở những địa điểm khác nhau.

Nhiều khi hai địa điểm ở hai quận liền kề lại gần hơn hai địa điểm cùng một quận", Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá.

Vì thế, Vecom đề xuất Thủ tướng giao UBND các địa phương, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ shipper tối ưu hóa hoạt động của mình, qua đó cũng giúp các sàn thương mại điện tử phục vụ tốt hơn cho người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Ngoài ra, việc thế nào là hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông cũng ảnh hưởng đến ngành thương mại điện tử. Hiệp hội đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thương về việc cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch.

Giải thích về việc này, lãnh đạo Vecom cho rằng trong thời gian giãn cách ở mức bằng hoặc cao hơn Chỉ thị 16, nhu cầu của cá nhân và các đơn vị, tổ chức không chỉ giới hạn trong các mặt hàng thực phẩm, thuốc men mà thực tế rất đa dạng mới đáp ứng được việc sinh hoạt, học tập cũng như làm việc tại nhà hay trực tuyến.

 

Veocm đề xuất cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. Ảnh: A.H.
Veocm đề xuất cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. Ảnh: A.H


Hiệp hội cũng cho rằng vào thời điểm này, nếu đông đảo shipper nghỉ việc và doanh nghiệp liên quan ngừng hoạt động sẽ dẫn đến khủng hoảng trong chuỗi cung ứng cũng như nhu cầu của người dân.

Thực tế, khi người dân ở nhà, shipper phải di chuyển liên tục và tiếp xúc với nhiều đối tượng, chịu sự giám sát của nhiều đơn vị.

Do đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật, đặc biệt tại các chốt kiểm soát giao thông, cần xem người giao hàng cũng là nguồn nhân lực làm nhiệm vụ chống dịch, có thái độ tôn trọng họ. Đồng thời, có hướng ưu tiên ở mức độ cao cho đội ngũ shipper khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 lần 1 cũng như lần 2.

https://danviet.vn/don-hang-online-bi-tra-tang-dot-bien-doanh-nghiep-thuong-mai-dien-tu-viet-tam-thu-mong-thu-tuong-go-kho-20210731165514631.htm
 

Theo Hồng Phúc (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm