Xã hội

Đời sống

Động đất rung chuyển Philippines, cảnh báo sóng thần ở Nhật Bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Reuters đưa tin một trận động đất mạnh 7,6 độ Richter đã làm rung chuyển đảo Mindanao ở miền nam Philippines vào tối 2/12, kích hoạt lệnh sơ tán tại một số cùng do cảnh báo sóng thần.
Người dân đổ ra đường tại thành phố Butuan, Philippines đêm 2-12. Ảnh: TNO

Người dân đổ ra đường tại thành phố Butuan, Philippines đêm 2-12. Ảnh: TNO

Trận động đất có tâm chấn nằm ở độ sâu 63 km. Hệ thống cảnh báo sóng thần của Mỹ đã ban bố một cảnh báo sóng thần sau trận động đất nói trên.

Trong khi đó, Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã ban bố cảnh báo sóng thần dọc bờ biển phía Tây tiếp giáp Thái Bình Dương của nước này.

Theo NHK, sóng thần cao khoảng 1m nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào Nhật Bản lúc 1 giờ 30 sáng 3/12 theo giờ địa phương (23 giờ 30 ngày 2/12 theo giờ Hà Nội).

Trước đó, Tung tâm nghiên cứu khoa học địa chất Đức (GFZ) cho biết một trận động đất độ lớn 5,8 đã xảy ra ở Bangladesh sáng 2/12, với độ sâu chấn tiêu 10km.

Còn cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho biết trận động đất có độ lớn 5,5, xảy ra ở tọa độ 23,13 độ vĩ Bắc, 90,93 độ kinh Đông.

Philippines nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương và thường xuyên hứng chịu các trận động đất. Hồi tháng 11, một trận động đất mạnh 6,7 độ Richter đã xảy ra ở miền nam Philippines, khiến một người chết và gần 20 người bị thương.

Cũng trong ngày 2/12 vào lúc sáng sớm, khu vực phía Tây Nam tỉnh Vân Nam (Yunnan), Trung Quốc cũng ghi nhận trận động đất độ lớn 5,0, độ sâu chấn tiêu 10km. Tâm chấn nằm cách thành phố Côn Minh (Kunming), thủ phủ tỉnh Vân Nam, 476km.

Giới chức Trung Quốc cho biết có 144 hộ gia đình báo cáo nhà cửa bị hư hại, một số trạm điện địa phương bị ảnh hưởng do trận động đất. Hơn 1.900 người đã được đưa đến nơi an toàn sau khi xảy ra động đất. Nhiều khu vực lân cận cũng cảm nhận được rung chấn từ trận động đất này.

Theo các nhà khoa học, sự tăng hoặc giảm tạm thời về địa chấn là một phần của sự biến động bình thường tần suất xuất hiện động đất. Cả việc tăng hay giảm tần suất này trên toàn thế giới đều không phải là dấu hiệu cao cho thấy một trận động đất lớn sắp xảy ra.

Hệ thống địa chấn quốc gia tiên tiến của Mỹ (ANSS) cho thấy, số lượng các trận động đất gia tăng trong những năm gần đây, không phải vì có nhiều trận động đất hơn mà vì có nhiều công cụ đo địa chấn để con người ghi lại thêm nhiều trận động đất.

Trung tâm thông tin động đất quốc gia của Mỹ (NEIC) hiện định vị khoảng 20.000 trận động đất trên toàn cầu mỗi năm hay khoảng 55 trận mỗi ngày. Nhờ những cải tiến trong thông tin liên lạc và sự quan tâm ngày càng tăng đối với các thảm họa thiên nhiên, con người biết về động đất nhanh hơn trước đây gấp nhiều lần.

Có thể bạn quan tâm