Đồng hành tìm việc làm cho thanh niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2018, Tỉnh Đoàn quyết tâm đẩy mạnh công tác giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên bằng nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực.

Còn nhiều khó khăn

Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, cho biết: “Thời gian qua, việc đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm luôn được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh thông qua việc triển khai một số giải pháp như: phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị tuyển dụng để tìm kiếm thị trường lao động cho thanh niên; thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu cho thanh niên những ngành nghề mà xã hội đang cần; tạo điều kiện cho thanh niên tiếp xúc với các đơn vị tuyển dụng…”.

 

Giới thiệu việc làm cho thanh niên luôn được các cấp bộ Đoàn quan tâm. Ảnh: P.L

Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn cũng đăng ký thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp tại các địa phương để thanh niên nông thôn có việc làm ổn định; phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn sản xuất kinh doanh. Tính từ năm 2012 đến nay, các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ cho trên 27.000 thanh niên có việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Dù vậy, một bộ phận thanh niên vẫn chưa thật chủ động trong tìm kiếm việc làm. Một số vẫn còn tâm lý e dè, ngại ngùng, ỷ lại. Bên cạnh đó, tính kỷ luật và tác phong lao động của một bộ phận thanh niên chưa cao. Thực tế cho thấy, có nhiều thanh niên sau khi được các doanh nghiệp nhận vào làm việc (đặc biệt là làm việc ngoài tỉnh) thường bỏ việc giữa chừng. Một số thanh niên dân tộc thiểu số vẫn còn mang tư tưởng làm việc theo thời vụ. “Chợ lao động” trên đường Trường Chinh (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) là một ví dụ điển hình. Hàng ngày, có đến gần 30 thanh niên của các làng quanh thành phố đứng đợi người đến thuê làm các công việc thời vụ như: bốc vác, đào hố, xúc đất… Hay như nhiều thanh niên ở xã Ia Băng, xã Trang (huyện Đak Đoa) cứ tới mùa thu hoạch cà phê lại đi gần 40 km để vào tìm việc làm thuê ở huyện Chư Prông. Cái lợi mà công việc thời vụ đem lại là đến cuối ngày người làm được nhận tiền ngay. Nhưng hiệu quả từ tính ổn định của một công việc thì thanh niên lại chưa nhìn thấy được. Điều này gây khó khăn cho công tác vận động, tuyên truyền thanh niên tìm việc lâu dài để ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, việc tuyên truyền, giới thiệu việc làm của cán bộ Đoàn ở nhiều nơi còn khá chung chung, chưa thật sự thu hút, thuyết phục được lực lượng thanh niên đăng ký làm việc.

Gắn kết thanh niên và doanh nghiệp

Từ đầu năm đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã đẩy mạnh công tác giới thiệu việc làm cho thanh niên. Thông qua Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TP. Hồ Chí Minh, Tỉnh Đoàn đã giúp 20 thanh niên trong tỉnh kết nối và tìm được công việc tại các doanh nghiệp. Trước đây, anh Rơ Lan Chơng (SN 1988, làng Sơr, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) cùng vợ thường xuyên đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập nuôi 3 đứa con nhưng cuộc sống lúc nào cũng thiếu thốn. Đầu tháng 3-2018, anh Chơng quyết định đăng ký tìm việc theo kênh giới thiệu việc làm của Tỉnh Đoàn và được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Trung Sơn Long An (tỉnh Long An). “Bây giờ, cả 2 vợ chồng tôi đều vào làm công nhân cho Công ty. Tôi được Công ty hỗ trợ nhà trọ giá rẻ chỉ cách nơi làm việc khoảng 100 m, ăn bữa trưa. Lương trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng, ngoài ra tăng ca cũng được tính lương và có phần ăn tối. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm tăng ca và dành dụm tiền gửi về nhà cho 3 đứa con ăn học”-anh Chơng tâm sự.

Để tiếp tục giúp đỡ thanh niên tìm được việc làm ổn định, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ triển khai một số giải pháp thiết thực, hữu ích. Đầu tiên là công tác phối hợp đào tạo nghề phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã ký kết với Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn phối hợp với hệ thống các trường nghề tại địa phương để thực hiện đào tạo nghề “đúng địa chỉ” cho thanh niên.

Công tác tìm kiếm thị trường lao động cũng là việc làm quan trọng. Anh Phan Hồ Giang chia sẻ: “Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh với thanh niên Gia Lai, tạo cơ hội cho thanh niên lựa chọn ngành nghề theo sở trường, năng lực phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường liên kết với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; đồng thời tích cực phối hợp với Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh để đăng tải thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên website, trang facebook của Tỉnh Đoàn. Dự kiến, trong năm 2018, Tỉnh Đoàn sẽ tổ chức 2 ngày hội nghề nghiệp, việc làm trên địa bàn TP. Pleiku”.

Để nâng cao chất lượng giới thiệu việc làm, Tỉnh Đoàn cũng đã có kế hoạch hỗ trợ thanh niên kết nối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, với thanh niên dân tộc thiểu số, Tỉnh Đoàn sẽ làm cầu nối với doanh nghiệp để họ được làm việc theo nhóm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Đồng thời, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tiến hành rà soát số lượng thanh niên chưa có việc làm trên địa bàn tỉnh cũng như trình độ học vấn và nhu cầu việc làm để tư vấn, giới thiệu. Giữ mối liên lạc với các thanh niên đã tìm được việc cũng là cách để theo dõi và có hướng điều chỉnh phù hợp, giúp các thanh niên tìm được công việc yêu thích và ổn định lâu dài, từng bước cải thiện cuộc sống.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm