Du lịch

Hành trang lữ hành

Đồng hồ sinh học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây rất nhiều năm, tôi có dịp lên thăm Gia Lai. Đúng vào tháng 11, mùa hoa dã quỳ nở rộ. Dọc con đường từ Pleiku tới Biển Hồ, dã quỳ vàng một màu rất tâm trạng. Lúc ấy, tôi cứ ngỡ dã quỳ nở quanh năm. Nhưng không phải. Chỉ vào độ đầu mùa khô ở Gia Lai thôi. Đó là hoa báo mùa khô Tây Nguyên, còn có tên gọi khác là hoa báo đông. Một loài hoa báo thời tiết thật chuẩn, báo ngày nắng đã thay cho ngày mưa. Nó là một thứ giống như đồng hồ của đất trời Tây Nguyên.
 Thiếu nữ và hoa dã quỳ. Ảnh: THẾ DŨNG
Thiếu nữ và hoa dã quỳ. Ảnh: THẾ DŨNG
“Đồng hồ sinh học” là một khám phá mới của y học thế giới tuy đã được nhân loại biết đến từ lâu. Y học cổ truyền phương Đông, trong đó có y học cổ truyền Việt Nam, từ xa xưa đã tìm ra “đồng hồ sinh học” trong cơ thể con người: đó chính là hệ kinh lạc. Hệ kinh lạc ấy không chỉ tồn tại trong cơ thể người, nó còn tồn tại trong thiên nhiên, trong cây cỏ, hoa lá… Nó nhởn nhơ đâu đó, vô hình, vô ảnh mà có thật. Tôi không hiểu mấy về Đông y, nhưng tôi biết, buổi sáng sớm mình đứng gần cây xanh thì cảm giác thật tuyệt vời! Lúc đó dường như cây xanh nhả ra những gì là tinh túy nhất của nó sau một đêm, chứ không chỉ là dưỡng khí. Lúc đó mà hái rau ăn thì đúng là rau ngon nhất rồi! Lâu nay, tôi “chỉ đạo” cho mấy đứa cháu nông dân ở quê trồng rau sạch cung cấp cho mấy đứa em đứa cháu ở thành phố, lấy tiền hàng tháng mà làm sinh kế. Tôi luôn dặn các cháu ở quê phải hái rau sạch vào lúc hừng đông, rau mới ngon và mới thật sạch. Đó chẳng phải là tuân theo “đồng hồ sinh học” ư? Bởi tôi biết, sáng nào tập thể dục bên cạnh mấy cây xanh trên sân thượng, tôi cũng cảm thấy thật thoải mái. Cảm ơn các nhà khoa học vừa phát hiện ra “đồng hồ sinh học”, nhưng trước hết, phải cảm ơn ông cha mình đã phát hiện ra cái đồng hồ kỳ lạ này từ xưa rồi. Chỉ có điều, ông cha ta phát hiện ra nó mà chưa chứng minh được nó, dù biết sự tồn tại của nó. Châm cứu theo hệ kinh lạc, chẳng phải là theo “đồng hồ sinh học” đó sao? Và gieo trồng theo mùa theo tiết, theo cả giờ nào trong một ngày, chẳng phải là tuân thủ theo “đồng hồ sinh học” đấy ư? Cái “đồng hồ sinh học” này thật lớn trong thiên nhiên và cũng thật nhỏ trong cơ thể con người hay cơ thể cây cối, thậm chí trong cơ thể một vi sinh vật nào đó mà mắt ta không nhìn thấy được.
Nhà tôi có cái lu trồng bông súng. Tôi để ý, bông súng nở nhiều hay ít tùy mùa. Nhưng cũng tùy thời tiết trong một mùa diễn biến thế nào. Như mùa cuối thu năm nay, quê tôi mưa ít nhưng vẫn có mưa xen lẫn nắng. Đó có lẽ là thời tiết thích hợp nhất cho bông súng nở. Buổi sáng, nhìn cái lu nhà mình nở một lúc hai bông súng tím, thích mắt lắm. Nhưng rồi sắp tới là mùa đông, bông súng sẽ “ngủ đông”, không nở trong vòng vài ba tháng. Đành phải chờ vậy. Ai làm việc quanh năm cũng cần thời gian nghỉ ngơi. Cây cối cũng thế. Cây đứng yên một chỗ nhưng tôi có cảm giác, hình như cây vẫn làm việc chăm chỉ ngay lúc đứng yên. Và chưa chắc chúng ta bôn ba tất bật như thế là đã làm được nhiều việc hơn cây xanh đâu nhé. Có sự im lặng nói lên rất nhiều điều thì cũng có cái đứng yên vô cùng sinh động. Cây cối là vậy. Mùa hè nóng nung, nếu anh tưới nước cho cây mỗi ngày hai lần sáng-chiều, anh sẽ thấy cây xanh tươi vui như thế nào. Đó là niềm hạnh phúc của cây xanh, nó lan tỏa sang cho mình, vì mình giúp cho nó hạnh phúc. Đó cũng là sự “trao đổi chất” như chúng ta được học hồi nhỏ, nhưng “chất” ở đây là hạnh phúc, một “chất” có lẽ là quý nhất trên đời. Cái “đồng hồ sinh học” dường như áp dụng tính cho vạn vật, trong đó có con người, không trừ bất cứ sinh vật nào. Nếu mình thuận theo nó, mình sẽ kết nối được với vạn vật.
Mà nếu mình đã tuân theo đồng hồ sinh học thì mình sắm đồng hồ Thụy Sĩ đắt tiền làm chi nhỉ? Nghe câu này hơi… buồn cười. Nhưng ngẫm lại, ngày xưa ông cha mình đâu có đồng hồ, sao vẫn đi làm đồng đúng giờ, lo cơm đúng bữa? Họ chỉ “Trông trời trông đất trông mây/Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm” mà biết được tất cả, tính ra được tất cả. Có lẽ thời ấy, chiếc “đồng hồ sinh học” trong người họ và chiếc đồng hồ lớn trong trời đất hòa cùng một nhịp thở, một nhịp đập chăng?
Nếu nhà văn Nga vĩ đại Lev Tolstoi đưa ra tư tưởng “hòa bình xanh” thì đất trời Tây Nguyên lại đưa ra tư tưởng “hòa bình vàng”, đó là những con đường ngập tràn hoa dã quỳ báo hiệu mùa khô trên vùng đất này.
Tôi lâu nay rất ngưỡng mộ tư tưởng “hòa bình xanh” của Lev Tolstoi. Bây giờ, tôi lại phát hiện hoa dã quỳ Tây Nguyên mang tư tưởng “hòa bình vàng”, phù hợp với “đồng hồ sinh học” mà thế giới đang nói tới. Vậy, tôi xin được “đeo” chiếc đồng hồ sinh học là màu hoa dã quỳ Tây Nguyên-một chiếc đồng hồ giản dị, dễ thấy, dễ thương mà khỏi mất tiền mua...
 THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm