(GLO)- Một trong những yếu tố tạo nên diện mạo đặc thù của Phố núi Pleiku là sương mù. Qua bao năm tháng, giữa những đổi thay, màn sương mù vẫn âm thầm giữ lại đôi chút dáng dấp hoang sơ của một đô thị trên cao nguyên. Mùa sương, Pleiku bồng bềnh như ở cõi mơ.
Nhìn từ phương diện thẩm mỹ, mỗi hiện tượng thời tiết đều có vẻ đẹp riêng. Thế nhưng, nắng, mưa có lúc gay gắt, dữ dội quá, khiến con người phải tránh, phải trú. Còn sương thì lúc nào cũng dịu dàng, “nữ tính”. Trong thần thoại Hy Lạp, Thần Ersa là nữ Thần Sương tượng trưng cho sự tinh khiết, mềm mại và tươi mát. Những nét “tính cách” đáng yêu đó đều được thể hiện khá rõ trong sương mù ở Pleiku. Vì vậy, con người cứ hồn nhiên mà tiếp xúc, chẳng ngại ngùng với sương. Thậm chí, một số người rất thích đi dạo trong màn sương mù dày đặc.
|
Khung cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku) trong sương sớm. Ảnh: Hoàng Quốc Vĩnh |
Ở Pleiku, sương thường xuất hiện vào những khoảng thời gian đẹp nhất trong năm: mùa xuân và mùa thu; vào cả hai thời điểm: hoàng hôn và bình minh. Khi mặt trời sắp lặn, trên bãi cỏ, trên đồi thông đều ướt sương. Ở phía núi xa, sương lặng lờ như cảm hoài trước bầu trời mênh mông, không vội vàng mà chậm rãi, nhẫn nại tan loãng vào bóng tối. Những đêm trăng, sương hòa trong ánh sáng bàng bạc, mông lung, cảnh vật lờ mờ, huyền ảo. Nếu ở trên cao nhìn xuống, sương bủa vây ánh điện tạo ra ánh sáng trắng đục, thành phố như chìm trong biển mây mù. Sáng sớm đi bộ ở một con đường ngoại ô, ta cảm nhận được sự tĩnh mịch khi nghe tiếng sương rơi, như tiếng vọng xa xăm từ ngàn năm rỉ rả trong sương mù. Khoảnh khắc sương đẹp nhất là khi những tia nắng mai xuyên vào, ánh lên nhiều màu lóng lánh. Sương như ý thức được số phận mong manh của mình mà bừng lên vẻ đẹp kỳ diệu. Xòe bàn tay hứng sương, hứng cả ánh “thiều quang”, ta có cảm giác nhồn nhột khi sương ri rỉ trên đường chỉ tay, rịn qua kẽ tay rồi biến mất.
Sương ở Pleiku rất đa dạng, biểu hiện gần như đầy đủ các loại, các trạng thái. Trong lòng phố, “sương mù ngưng đọng” trên cỏ cây, trên cánh đồng Ia Xí xinh đẹp, gợi cảm giác làm cho nhịp sống con người chậm lại, có những phút giây thư thái. “Sương mù núi” tỏa ra từ núi Đá, từ đỉnh Hàm Rồng như đưa con người du ngoạn cõi Thiên Thai. Ở những lòng chảo được hình thành từ miệng núi lửa, “sương mù thung lũng” có thể cuộn mình ngủ quên đến vài ngày nếu gió không đến đánh thức. Trên mặt nước Biển Hồ, “sương mù hơi” bảng lảng như khói mây, cố tình phủ lên một lớp huyền thoại về sự ra đời của “đôi mắt Pleiku” trong khoảng triệu triệu năm về trước.
Sương ở Pleiku “đa phong cách” như vậy là nhờ vào địa hình có nhiều đồi núi, khe suối, nhờ những cánh rừng bao quanh. Nhưng hiện nay, những nét hoang sơ đó đã dần nhạt phai, đồng nghĩa với việc sương sẽ dần lùi xa, hoặc nếu có thì cũng ít ỏi, yếu ớt. Trong khi đa số các đô thị ở Việt Nam lấy sông, biển để tạo nên vẻ đẹp thơ mộng thì Pleiku lấy núi và sương để tạo hồn cốt cho mình. Thử hỏi: Phố núi sẽ ra sao nếu một ngày không còn những mùa sương?
PHAN VĂN THIÊN