Kinh tế

Nông nghiệp

Đông Trường Sơn hạn hán gây thiệt hại vụ mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng nóng kéo dài hơn 1 tháng qua làm hàng ngàn héc ta cây trồng vụ mùa tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai bị thiệt hại. Diễn biến thời tiết đang khiến bà con nông dân rất lo lắng.

Lao đao vì hạn

Đang loay hoay chặt hom giống để chuẩn bị trồng lại hơn 1 ha mì, bà Nguyễn Thị Thiêm (làng Cao Sơn, xã Tơ Tung, huyện Kbang) buồn bã nói: “Nắng nóng kéo dài đã làm nhiều diện tích cây trồng của người dân bị thiệt hại nặng. Cách đây gần 2 tháng, tôi xuống giống hơn 1 ha mì. Sau khi xuống giống thì gặp nắng nóng kéo dài khiến cây mì không mọc nổi”.

 Nắng hạn kéo dài khiến cây bắp ở huyện Kbang sinh trưởng phát triển kém. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nắng hạn kéo dài khiến cây bắp ở huyện Kbang sinh trưởng phát triển kém. Ảnh: Nguyễn Diệp


Những ngày này, dọc 2 bên tuyến đường vào xã Lơ Ku (huyện Kbang) là những rẫy mì, bắp, đậu xanh bị héo úa do nắng hạn. Ông Nông Văn Nghĩa (thôn 1, xã Lơ Ku) cho hay: Suối Tà Kơn phía sau nhà ông chưa bao giờ khô cạn nhưng năm nay kiệt không còn nước để bơm tưới. “Hơn 2 ha mía và 1 ha đậu xanh của gia đình được xuống giống cuối tháng 3. Không ngờ sau khi xuống giống thì gặp nắng hạn kéo dài. Tôi đã cố gắng bơm nước tưới cho ruộng mía nhưng nguồn nước không đủ, đành mất 56 triệu đồng tiền đầu tư. Ngoài ra, 1 ha đậu xanh cũng mất trắng hoàn toàn vì nắng hạn”-ông Nghĩa nói.

Còn ông Đinh Lin-Trưởng thôn Lợk thì thông tin: “Sau khi thấy mưa đầu mùa, theo kinh nghiệm, bà con bắt đầu trồng đậu xanh, mì. Nhưng nắng nóng trở lại và kéo dài khiến cây trồng khô héo, nhiều hộ phải mua cây giống để trồng lại. Gia đình tôi cũng bị thiệt hại về đậu xanh và hơn 1 ha mì”.  

Nỗ lực khôi phục sản xuất

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, nắng nóng kéo dài đã gây thiệt hại nặng khoảng 745 ha cây trồng vụ mùa, trong đó có 232 ha bắp, hơn 169 ha mì, trên 309 ha đậu đỗ và gần 34 ha mía. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 608 triệu đồng.

Người dân xã Lơ Ku trồng dặm lại diện tích mì đã chết. Ảnh: Quang Tấn
Người dân xã Lơ Ku trồng dặm lại diện tích mì đã bị chết. Ảnh: Quang Tấn
Ông Nguyễn Văn Huấn-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên): Từ tháng 4 đến giữa tháng 6-2021, lượng mưa trên địa bàn tỉnh thiếu hụt khoảng 50% so với trung bình nhiều năm. Theo nhận định, trong tháng 7 và 8-2021, dù xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới nhưng lượng mưa trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết, nhất là bản tin dự báo hạn trong vòng 10 ngày để chủ động sản xuất đạt kết quả cao nhất.

Ông Trương Nhật Linh-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-nêu giải pháp: “Cùng với việc tuyên truyền, vận động bà con chủ động mua giống trồng dặm hoặc làm đất xuống giống vụ 2, chúng tôi tiến hành thống kê diện tích thiệt hại đề nghị cấp trên hỗ trợ cho người dân”.

Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Hiện nay, các xã đang tiếp tục thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra. Phòng cũng đã đề xuất UBND huyện thành lập hội đồng đánh giá mức độ thiệt hại để kiểm tra thực tế có biên bản xác nhận, làm cơ sở đề xuất kinh phí hỗ trợ cho người dân. “Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Phòng Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các xã, thị trấn sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm cho cây lúa, triển khai kế hoạch chống hạn đã xây dựng từ đầu vụ. Cùng với đó, Trạm thủy nông huyện chủ động điều tiết nước tại các đập dâng tưới theo từng khu vực, luân phiên. Huy động lực lượng Công an và dân quân xã cùng tham gia điều tiết nước từ các ao, hồ, đập tránh tình trạng tranh chấp nước tưới… Đồng thời, vận động người dân khi thời tiết thuận lợi tập trung khôi phục sản xuất”-ông Tình cho hay.

Còn tại huyện Đak Pơ, ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Hiện nay, tiến độ sản xuất vụ mùa mới đạt khoảng 80%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài khiến mực nước tại các ao hồ cạn kiệt. Đến thời điểm này, trên địa bàn vẫn còn 141 ha lúa nước 2 vụ chưa thể xuống giống vì thiếu nguồn nước tưới. Nắng nóng kéo dài cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Nếu 1 tuần nữa không có mưa thì nguy cơ xảy ra hạn là rất lớn, nhất là các cây trồng ngắn ngày như: bắp, mì, đậu đỗ các loại, mía trồng mới.

 

 NGUYỄN DIỆP-QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm