Cuối năm, chúng tôi lại về Phú Thiện. Đứng trên đỉnh đèo Chư Sê, bỏ lại sau lưng cái rét của Phố núi Pleiku, và phía trước là cánh đồng Phú Thiện bạt ngàn, trù phú.
Kể cũng lạ, cách đây chưa lâu, nơi đây còn là một “chảo lửa” hầm hập nóng, vậy mà từ khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ đưa vào sử dụng (1993-1997), bỗng trở mình một cách diệu kỳ: Những cánh đồng lúa nước hai vụ, những ruộng mía, nương bắp ngằn ngặt xanh. Bên cạnh các loại cây trồng như bắp lai, mía, mì, đậu các loại thì Phú Thiện đang sở hữu một cánh đồng lúa nước hai vụ có diện tích 6.000 ha, là vùng sản xuất lúa nước trọng điểm của Tây Nguyên. Nước về đến đâu, lúa theo đến đó, những ruộng lúa theo dòng nước bạc, theo dấu chân người Jrai về đến tận những gầm nhà sàn.
Vụ mùa bội thu. Ảnh: Đức Thụy |
Còn nhớ mới đây thôi, khi chưa có thủy lợi Ayun Hạ, người Jrai ở đây vẫn còn canh tác theo lối phát đốt, chọc trỉa, hạt lúa tra xuống đất rồi… giao cho trời. Đời sống bấp bênh, cái nghèo, cái đói cứ rình rập, bám riết dưới mỗi chân nhà sàn. Vậy mà bây giờ, có trên 90% người dân tộc thiểu số ở Phú Thiện đã thành thạo trong việc làm lúa nước hai vụ cho năng suất cao (huyện Phú Thiện có 8.000 hộ với 40.000 nhân khẩu là người Jrai, chiếm 57% dân số toàn huyện). Nhiều hộ Jrai đã trở thành triệu phú như hộ ông Nay Giác (thôn Ama Nhơn, xã Ia Piar): Chưa kể lúa rẫy và các loại cây trồng khác, gia đình ông hiện đang canh tác trên 5 ha lúa nước hai vụ, thu lãi hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Hay như hộ ông Rmah Hyoh (thôn Plei Tel B, xã Ia Sol) cũng làm 5 ha lúa nước hai vụ và các loại cây trồng khác.
Chúng tôi về thôn Plei Tel B (xã Ia Sol). Thôn có 198 hộ với 1.072 nhân khẩu. Cả thôn có trên 100 ha lúa nước, không một nhà nào thiếu gạo ăn, thậm chí còn thừa để trao đổi các loại hàng hóa khác. Trưởng thôn-anh Ksor Bố là một trong những hộ có diện tích lúa nước ít nhất thôn, nhưng cũng được 1 ha. Anh cho biết: Sau nhiều năm học hỏi cách làm lúa nước của người Kinh, cộng với sự hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, bây giờ, gia đình anh cũng như những gia đình Jrai khác trong thôn làm lúa nước không thua kém bất cứ ai. Với năng suất bình quân 7 tấn/vụ, mỗi năm, anh đã thu lãi ròng trên 40 triệu đồng từ 1 ha lúa nước này, cộng với 2 ha mì và chăn nuôi heo, gà, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng.
Tuy nhiên trên cánh đồng vàng ấy, vẫn còn những trăn trở mà Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Thiện đang phải ngày đêm tìm cách tháo gỡ. Với diện tích ấy, với năng suất ấy, hàng năm, cánh đồng Phú Thiện có sản lượng thóc trên 80 ngàn tấn. Phó Chủ tịch Phạm Nhuần làm một phép tính: Với dân số 72 ngàn dân toàn huyện thì mỗi năm, lượng thóc tiêu thụ trong huyện không quá 30 ngàn tấn-kể cả nấu cơm lẫn… nấu rượu. Như vậy, mỗi năm có trên 40 ngàn tấn thóc ra khỏi huyện. Thóc tiêu thụ ngoài huyện chủ yếu thông qua hệ thống dịch vụ tư nhân: Sau khi sơ chế tại chỗ, lúa Phú Thiện được đưa ra khỏi huyện và bán trên thị trường. Ông Nhuần cho biết: Muốn dân làm giàu từ hạt lúa trên chính đồng đất của mình thì sau nước, cần đến giống và khoa học. Việc này, hàng năm huyện vẫn trích ngân sách, tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân; người dân Phú Thiện cũng đã quá quen với việc làm lúa nước. Song để hạt lúa nơi đây mang tên “Lúa Phú Thiện”, rất cần những nhà máy tinh chế để cho ra sản phẩm lúa vừa đẹp, vừa sạch, vừa ngon. Chỉ có như vậy thì cánh đồng Phú Thiện mới có tên trong “bản đồ lúa” của Việt Nam.
Lam Giang