Kinh tế khu vực Tây Nguyên đang có bước chuyển mình tích cực để hòa vào dòng chảy kinh tế sôi động chung của đất nước. Sự thay đổi ấy được thể hiện ở thu nhập bình quân đầu người tăng cao, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Bám đất, bám rừng, cùng trợ lực vốn từ ngân hàng, những người con Tây Nguyên đã làm cho mầu xanh nơi đây ngày càng phủ khắp.
Từ nguồn vốn vay ngân hàng, anh Lê Hùng Huấn ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê (Gia Lai) đầu tư trồng hồ tiêu hữu cơ, mang lại thu nhập cao. |
Khát vọng làm giàu
Sản xuất cây công nghiệp được đánh giá là một ngành kinh tế chủ lực, bền vững của Tây Nguyên. Ðã có thời, cả Tây Nguyên nhà nhà trồng cà-phê, rồi lại nhà nhà chặt cà-phê để trồng hồ tiêu. Cà-phê, hồ tiêu, cao-su,... thật sự là thế mạnh đưa kinh tế khu vực này phát triển. Thế nhưng, chính sự phát triển ồ ạt theo phong trào của người dân, cũng như việc lập quy hoạch thiếu tính gắn kết với thị trường tiêu thụ của các nhà làm chính sách,... đã khiến người dân, doanh nghiệp không ít lần "điêu đứng" với chính thế mạnh của mình. Trong bối cảnh này, việc thay đổi tư duy sản xuất, nhạy bén với thị trường đã giúp nhiều người dân tìm được hướng đi riêng, làm giàu chính đáng trên chính quê hương.
Khát vọng làm giàu đã đưa anh Phan Văn Sơn (xã Iadom, huyện Ðức Cơ, tỉnh Gia Lai) gắn bó với những loại cây trồng đặc trưng của vùng đất đỏ ba-dan. Với ý niệm giản dị nhưng không kém phần táo bạo, anh Sơn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và đến nay đã tìm ra cho mình một con đường riêng.
Từ ít vốn liếng của bản thân, cộng với hơn chục triệu đồng vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cách đây khoảng 20 năm để trồng vài ha cà-phê, cao su, đến nay, gia đình anh Sơn đã có hơn 60 ha với đủ loại cây trồng. Sau không ít lần thất bại, anh Sơn đã lựa chọn phương pháp trồng xen canh nhiều loại cây và trồng hữu cơ để vừa thu được những sản phẩm chất lượng, vừa tránh được rủi ro. Theo chia sẻ của anh Sơn, trước đây sản xuất độc canh nhàn hạ hơn nhưng rủi ro lại lớn. Ðược mùa được giá thì người nông dân có lợi, nhưng được mùa mà mất giá hay mất mùa cũng sẽ khiến họ rơi vào cảnh trắng tay. "Bây giờ trồng xen canh, đa canh, nếu cà-phê giảm giá đã có hồ tiêu; hồ tiêu rớt giá đã có cao-su kéo lại, chưa kể nhiều cây ăn quả nữa như chuối chung sức gánh,... nhờ vậy, doanh thu ổn định (mỗi năm không dưới năm tỷ đồng), lại cho thu hoạch quanh năm" - anh Sơn cho hay.
Cũng gắn bó với cây cao-su và hồ tiêu nhiều năm nay, anh Lê Hùng Huấn (ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đang có thu nhập khoảng hai tỷ đồng/năm từ hơn 30 ha cao-su và hơn 5 ha hồ tiêu. Chọn lựa phương pháp trồng hữu cơ, anh Huấn chia sẻ, với phương pháp này, chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng bù lại, cây phát triển bền vững, sức đề kháng tốt, không nhiễm bệnh. Chất lượng sản phẩm theo đó cũng được nâng cao, đạt tiêu chuẩn cao cho nên được bạn hàng tin tưởng và thu mua theo hợp đồng. "Nhưng chính vì chi phí đầu tư ban đầu cao thì với những người nông dân như chúng tôi, chỉ với nguồn vốn của gia đình là không đủ mà rất cần thêm sự hỗ trợ vốn từ phía ngân hàng" - anh Lê Hùng Huấn cho biết thêm.
Trợ lực từ vốn tín dụng
Có được những kết quả đáng mừng như ngày hôm nay, những người nông dân như anh Lê Hùng Huấn nhớ rất rõ những ngày đầu lập nghiệp, anh đã được các cán bộ tín dụng Agribank tận tình hướng dẫn về thủ tục cũng như tạo điều kiện để tìm hiểu thêm về những kiến thức chung quanh phát triển kinh tế hộ gia đình. Ðến nay, ngân hàng vẫn đồng hành cùng anh Sơn để mở rộng sản xuất, kinh doanh; tăng quy mô và diện tích cây trồng.
Theo Giám đốc Agribank chi nhánh Gia Lai Nguyễn Dự, thực hiện chính sách cho vay nông nghiệp nông thôn, Agribank luôn có những giải pháp thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn cùng người nông dân. Theo đó, ngân hàng đã tập trung giải ngân cho những hộ đang cần vốn để tiếp tục đầu tư vào diện tích vườn cây đang có, bảo đảm đạt sản lượng khi vào vụ thu hoạch. Ðồng thời, hướng vào đối tượng sản xuất, kinh doanh; chủ động, tích cực tìm kiếm và dành nguồn vốn ưu đãi giá rẻ giúp người dân, doanh nghiệp tận dụng lợi thế để tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Dự, để giúp người dân tiếp cận vốn của ngân hàng, Agribank chi nhánh Gia Lai luôn tư vấn cho khách hàng hiểu rõ về các loại hình đầu tư, các hình thức huy động vốn, cũng như các sản phẩm dịch vụ của Agribank. Chính điều này làm cho khách hàng yên tâm khi vay vốn của ngân hàng, không phải lo lắng về lãi suất, thủ tục. Ðáng chú ý, ngân hàng cũng đã đưa ra sáng kiến chỉ đạo toàn thể cán bộ tín dụng thực hiện cho vay theo đúng quy trình và đề ra phương châm hành động cho mỗi cán bộ tín dụng thực hiện và áp dụng đúng khi quyết định đầu tư vốn theo phương châm "8 đúng" trong cho vay. Ðó là: đúng người, đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng tài sản, đúng mục đích, đúng nhu cầu, đúng thời gian và đúng chu kỳ. Ðó cũng là một trong những lý do vì sao tỉnh Gia Lai có 17 huyện, thị xã, tổng dư nợ toàn tỉnh gần 80 nghìn tỷ đồng, thì chỉ riêng Agribank chi nhánh Gia Lai và Ðông Gia Lai đã đạt khoảng 17 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% thị phần, trong đó 92% đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, đến nay tính chung trên toàn hệ thống, nguồn vốn Agribank đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn chiếm hơn 50% dư nợ của toàn ngành ngân hàng trong lĩnh vực này, góp phần không nhỏ tạo nên những thành tựu về sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ðến ngày 31-8 vừa qua, tổng nguồn vốn Agribank đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng; trong đó, tiền gửi dân cư chiếm hơn 82% vốn huy động; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 942 nghìn tỷ đồng; trong đó dư nợ đầu tư vào nông nghiệp - nông dân - nông thôn chiếm đến 73,5%. Tại khu vực Tây Nguyên, Agribank luôn dành hơn 90% tỷ trọng tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, trong đó riêng về cho vay trồng hồ tiêu, tính đến thời điểm hết tháng 7-2018, tổng dư nợ của Agribank đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Việt Phong (Nhân Dân)