Xã hội

Đời sống

Dự án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất vùng dân tộc thiểu số: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc triển khai thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ở Gia Lai hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Ông Trường Trung Tuyến-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho biết: Qua nắm bắt thông tin tình hình triển khai thực hiện Dự án 1 cho thấy, hiện nay, nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp cho đối tượng được hỗ trợ. Nội dung hỗ trợ chủ yếu giải ngân bằng nguồn vốn vay. Tuy nhiên, giá đất ở, đất sản xuất quá cao so với định mức hỗ trợ của Nhà nước nên đối tượng thụ hưởng khó mua đất.

Đồng thời, nhiều hộ đồng bào DTTS chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên giải pháp mua bán, chuyển nhượng cũng không thực hiện được dẫn đến không có khả năng giải ngân theo kế hoạch đề ra.

Theo quy định, về đất ở, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ, mức vay Ngân hàng Chính sách Xã hội là 50 triệu đồng/hộ; về đất sản xuất, ngân sách nhà nước hỗ trợ 22,5 triệu đồng/hộ, mức vay Ngân hàng Chính sách Xã hội là 77,5 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo nên khó vận động họ đóng góp thêm kinh phí để mua đất ở, đất sản xuất.

Trong giai đoạn 2022-2024, nguồn vốn phân bổ thực hiện Dự án 1 đã lồng ghép giải ngân với nguồn vốn vay tín dụng chính sách, hỗ trợ người dân giải quyết nhu cầu nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Ảnh: H.B

Trong giai đoạn 2022-2024, nguồn vốn phân bổ thực hiện Dự án 1 đã lồng ghép giải ngân với nguồn vốn vay tín dụng chính sách, hỗ trợ người dân giải quyết nhu cầu nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Ảnh: H.B

Ông Luyện Văn Toàn-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Chư Păh-thông tin: “Theo kết quả rà soát, đa phần hộ nghèo người DTTS sử dụng đất ổn định nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc lựa chọn hộ được nhận hỗ trợ về nhà ở thực hiện theo Dự án 1 gặp nhiều khó khăn. Đối với các hộ được hỗ trợ nhà ở năm 2023, mặc dù đã xây nhà xong nhưng hiện chưa đủ nguồn kinh phí để hỗ trợ theo quy định”.

Theo ông Toàn, đối với nội dung hỗ trợ đất sản xuất thuộc Dự án 1, nguồn kinh phí cấp năm 2022 không thực hiện được nên đơn vị đã tham mưu chuyển sang hỗ trợ nhà ở cho bà con DTTS trong năm 2024.

Không chỉ gặp khó về quỹ đất mà nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ năm 2024 thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP vẫn chưa được Trung ương phân bổ cho các địa phương. Do đó, các địa phương đã phê duyệt xong danh sách hộ nghèo được hỗ trợ các nội dung của Dự án 1 vẫn đang chờ nguồn vốn này để lồng ghép với nguồn vốn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ.

Đối với nguồn vốn đã được phân bổ để thực hiện nội dung hỗ trợ đất ở và đất sản xuất, các địa phương đang rà soát, đề xuất điều chỉnh nhu cầu đối tượng hỗ trợ các nội dung thuộc dự án để triển khai theo nguồn kinh phí đề xuất điều chỉnh theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18-1-2024 của Quốc hội.

Việc triển khai Dự án 1 đã góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: H.B

Việc triển khai Dự án 1 đã góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: H.B

Tổng nguồn vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phân bổ cho tỉnh Gia Lai từ năm 2022 đến 2024 là 2.067,5 tỷ đồng; tổng nguồn vốn tỉnh đã phân bổ là 2.183 tỷ đồng.

Tính đến đầu tháng 8-2024, tổng nguồn vốn ngân sách đã giải ngân là 1.072,1 tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch vốn đã phân bổ. Theo đó, nguồn vốn ngân sách trung ương đã giải ngân được 933,1 tỷ đồng, đạt 48,7% kế hoạch vốn giao; nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân 139 tỷ đồng, đạt 52,2% kế hoạch vốn giao.

Theo đánh giá chung của tỉnh, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ giải ngân từ năm 2022 đến nay chỉ đạt 49,1% tổng nguồn vốn được phân bổ. Áp lực phải giải ngân trên 1.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại năm 2024 là rất lớn, trong đó chủ yếu là vốn sự nghiệp.

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay thêm: “Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh đang cùng các sở, ngành, địa phương rà soát, tiếp tục đề xuất điều chỉnh kế hoạch thực hiện chương trình của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 để có căn cứ tiếp tục đề xuất điều chỉnh vốn theo nhu cầu của các địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình”.

Có thể bạn quan tâm