Kinh tế

Dự án trồng mới rừng ở Gia Lai: Kết thúc bằng những chỉ số thắng lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2010 là năm cuối cùng các tỉnh tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 661/QĐ-TTg về việc tổ chức thực hiện. Điểm lại chặng đường hơn 12 năm triển khai thực hiện dự án trên ở địa bàn tỉnh Gia Lai thấy có những kết quả hết sức khả quan.
Theo kế hoạch Trung ương giao, tổng diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng trồng mới giai đoạn 1999-2010 của tỉnh là 12.290 ha; diện tích rừng sản xuất trồng mới là 9.800 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 64.597 lượt/ha. Đến năm 2010, tổng diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng trồng mới của tỉnh đạt hơn 13.599 ha, bằng 111% kế hoạch; bình quân mỗi năm trồng mới khoảng 1.133 ha. Tổng diện tích rừng sản xuất trồng mới được 34.659 ha, bằng 354% kế hoạch Trung ương giao và đạt 187,3% so với quy mô của dự án. Diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh kết hợp với trồng rừng bổ sung bình quân hàng năm đạt 6.456,6 ha/năm, bằng 100% kế hoạch Trung ương giao.
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Những kết quả khả quan trên cho thấy quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trồng rừng. Ngay từ những ngày đầu thực hiện dự án, tỉnh đã chủ động xây dựng chỉ tiêu trồng mới 3 loại rừng cao hơn chỉ tiêu Trung ương phân bổ gắn với việc huy động các nguồn lực vốn trong nhân dân; vốn các doanh nghiệp; vốn ODA; vốn ngân sách của tỉnh cân đối bình quân mỗi năm từ 9 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng kết hợp với vốn đầu tư Trung ương để triển khai trồng rừng.
Tiếp đến là việc thành lập bộ máy chỉ đạo thực hiện dự án từ tỉnh đến cơ sở chung tay tháo gỡ những khó khăn về biến động diện tích đất rừng; tình trạng lấn chiếm đất rừng; áp lực gia tăng dân số; diễn biến thời tiết phức tạp. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật có kinh nghiệm và nhiệt huyết với rừng tham gia vào dự án. Đội ngũ này thường xuyên bám sát địa bàn, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt quy trình trồng và chăm sóc rừng gắn với công tác tuyên truyền lợi ích của việc trồng rừng đến nhân dân; tạo ra phong trào nông dân các huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ, thị xã An Khê và nhiều địa phương khác trong tỉnh tự bỏ vốn trồng hàng ngàn ha rừng sản xuất trên đất trống đồi núi trọc...
Ông Đoàn Thanh Hùng- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, địa phương có phong trào trồng rừng tốt nhất tỉnh hiện nay cho biết: Nếu đưa bạch đàn, xoan, keo lai trồng trên 1 ha đất dốc đồi núi trọc, năng suất đạt 50-60 m3/ha/năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng rừng lời ròng 30-40 triệu đồng. Lợi ích kinh tế trên tác động đến hàng ngàn hộ dân của tỉnh tự nguyện trồng rừng, góp phần vào kết quả trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt 354% kế hoạch Trung ương giao. 13.599 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phủ lên vùng đồi núi có độ dốc 30% trở lên, vùng núi có vị trí hiểm trở tại khu vực đèo Mang Yang; đồi Phượng Hoàng, khu vực xã Tơ Tung (huyện Kbang); đồi Hàm Rồng (TP. Pleiku) và các tiểu khu tại xã Chư Đăng Ya, Chư Jôr (huyện Chư Pah)… đóng góp tích cực vào việc chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai và bảo vệ môi trường sống tốt hơn.
Ngoài việc mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng rừng và tác động tích cực đối với môi trường thì dự án trồng mới diện tích rừng ở tỉnh ta còn góp phần nâng độ che phủ của rừng; giải quyết vấn đề dân sinh tại chỗ thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thống kê sơ bộ của Chi cục Lâm nghiệp, kết quả trồng mới 3 loại rừng và trồng rừng bổ sung từ năm 1999-2010 đến nay đã nâng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 45,9% (chưa tính độ che phủ các loại cây công nghiệp); tăng 3,52% so với năm 1998. Thông qua công tác trồng rừng mỗi năm giải quyết việc làm ổn định cho 4.000 lao động và 1.712 hộ gia đình nhận khoán quản lý bảo vệ rừng. Nguồn thu nhập từ tiền công trồng rừng, nhận khoán bảo vệ rừng, khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng giúp nông dân cải thiện và nâng cao đời sống. Nhờ vậy, trách nhiệm với rừng của người dân được nâng lên; tình trạng xâm hại rừng thời gian qua giảm đáng kể.
Dự án trồng mới rừng sẽ kết thúc vào năm 2010; song công tác trồng mới rừng phòng hộ tại những vùng đất xung yếu và quản lý bảo vệ vốn rừng trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác này, ngoài nỗ lực của tỉnh rất cần sự hỗ trợ của Trung ương về kinh phí thực hiện các công trình lâm sinh phù hợp với thực tế địa phương; tiếp tục đầu tư cho diện tích rừng trồng thời kỳ xây dựng cơ bản; nghiên cứu hoàn thiện bộ máy lâm nghiệp chuyên trách trong biên chế cấp xã có nhiều rừng để giúp chính quyền các cấp thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Đặc biệt là có cơ chế chính sách, chế độ phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên để người làm công tác lâm nghiệp an tâm gắn bó với rừng và sống được với rừng…
Quang Văn

Có thể bạn quan tâm