Kinh tế

Nông nghiệp

Dự án VnSAT: Cơ hội sản xuất cà phê bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc triển khai dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã mở ra cơ hội cho hàng ngàn nông dân sản xuất cà phê ở 5 tỉnh Tây Nguyên tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Sau 5 năm triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên, dự án VnSAT đã hỗ trợ thành lập và củng cố hoạt động của 185 tổ hợp tác và đào tạo 40.431 hộ nông dân về sản xuất cà phê bền vững. Tổng diện tích cà phê sản xuất bền vững là 36.266 ha, tái canh cà phê được 18.112 ha.

Dự án đã đầu tư nâng cấp 11 vườn ươm thuộc sở hữu Nhà nước, 21 vườn ươm tư nhân và công nhận 51 vườn ươm đạt chuẩn, cung cấp ra thị trường hơn 5,1 triệu cây giống đảm bảo chất lượng để tái canh 5.000 ha cà phê. Đồng thời, dự án cũng đã đầu tư 176 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng và 16 tỷ đồng mua sắm trang-thiết bị, máy móc phục vụ chế biến cà phê chất lượng cao cho các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ kết nối nông dân, HTX với các doanh nghiệp bao tiêu và chế biến cà phê để hình thành các chuỗi liên kết vững mạnh.

 Khách hàng tham quan sản phẩm cà phê được chế biến ướt tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: L.N
Khách hàng tham quan khu vực chế biến cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Lê nam


Tại Gia Lai, thông qua dự án VnSAT, có 8.080 hộ được đào tạo sản xuất cà phê bền vững; 4.460 hộ được đào tạo tái canh cà phê bền vững với diện tích 4.968 ha; cấp chứng nhận và nâng cấp 14 vườn ươm cây giống; áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và phun mưa 6.947 ha; hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX làm sân phơi, nhà kho, đường vào khu sản xuất, vay vốn tín dụng tái canh cà phê…

Hợp tác xã Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch và Nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả dự án VnSAT. Từ năm 2019 đến nay, HTX đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với hơn 400 hộ trên diện tích hơn 700 ha cà phê.

Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ của dự án, HTX liên kết và hỗ trợ người dân trên địa bàn xã Ia Mơ Nông và Ia Ka triển khai mô hình tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc trên 62 ha cà phê với 29 hộ tham gia và phấn đấu đến cuối năm lắp đặt thêm 28 ha. Tổng kinh phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm là 87 triệu đồng/ha, trong đó người dân sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí.

Ông Rơ Châm Du (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) bày tỏ: “Gia đình tôi được dự án VnSAT và HTX hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tại gốc cho 1,5 ha cà phê. Tôi chỉ cần bật máy là có thể tưới đồng loạt cho khoảng 500 cây cà phê và cũng không còn lo lắng thiếu nước tưới trong mùa khô nữa”.

Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch và Nông nghiệp Ia Mơ Nông-cho hay: “Việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc vừa tiết kiệm công lao động, bón phân, lượng nước vừa hạn chế xói mòn, rửa trôi mặt đất và tăng năng suất 20-30% trên cùng một diện tích. Ngoài ra, HTX tổ chức liên kết với người dân trồng cà phê để đảm bảo đầu ra ổn định. Hợp tác xã cũng vừa ký hợp đồng ghi nhớ với Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê niên vụ 2020 này”.

Tham quan mô hình cà phê 4C tại huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Nam
Tham quan mô hình cà phê 4C tại huyện Ia Grai. Ảnh: Lê Nam


Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT tỉnh-cho biết: Việc triển khai dự án VnSAT đã giúp khoảng 10 ngàn nông dân được tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác cà phê bền vững áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn; dự án cũng xây dựng nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư xây dựng các vườn ươm giống cà phê tiên tiến có xác nhận nguồn gốc; hỗ trợ lắp đặt các hệ thống tưới nước tiết kiệm; hỗ trợ thành lập HTX và tổ hợp tác. Các công trình cơ sở hạ tầng như: đường giao thông nội đồng tới khu sản xuất, nhà kho và sân phơi cùng các thiết bị chế biến sản phẩm cà phê công nghệ mới do dự án hỗ trợ cho 17 HTX và tổ hợp tác đã đi vào hoạt động với hiệu quả kinh tế cao.

“Đến nay, diện tích cà phê thuộc dự án VnSAT đã đáp ứng hiệu quả yêu cầu sản xuất cà phê bền vững của tỉnh với việc cập nhật, cung cấp thông tin kỹ thuật, công nghệ, thị trường và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm.

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm