Kinh tế

Giá cả thị trường

Dự báo giá hàng hóa tiêu dùng có thể tăng trong thời gian tới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giá nguyên liệu tăng có thể đẩy giá một số mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản... tăng mạnh trong thời gian tới.

Cảnh báo nhiều mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Ảnh: Vũ Long
Cảnh báo nhiều mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Ảnh: Vũ Long



Trao đổi với PV Lao Động chiều 6.5, chuyên gia kinh tế cấp cao - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp - Học viện Tài chính) phân tích: Giá nguyên vật liệu đã tăng trong 4 tháng đầu năm 2021.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cách đây không lâu, cuối năm 2020 đầu năm 2021 ông và nhiều chuyên gia kinh tế khác đã có cảnh báo về giá nguyên vật liệu tăng lên, gồm giá dầu mỏ và giá các nguyên vật liệu khác sẽ tăng khi nền kinh tế thế giới phục hồi và hoạt động sản xuất tăng trở lại.

Thực tế đã cho thấy, hiện nay giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất đã tăng cao với hầu hết các mặt hàng. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Châu Á là khu vực sử dụng nguyên liệu nhựa lớn nhất thế giới nhưng nguồn cung tại chỗ chỉ đáp ứng hơn 70% nhu cầu. Nguồn cung còn lại phải lấy từ Châu Âu và Trung Đông.

Tuy nhiên, từ quý IV/2020 nguồn cung nguyên liệu nhựa tại 2 thị trường này bị gián đoạn do hoạt động logistics bị ngưng trệ. Giá nguyên liệu nhập về tăng do giá cước tăng khiến giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến tiêu dùng.

Giá các mặt hàng nông, lâm, thủy sản (thức ăn chăn nuôi, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi…) đã tăng rất cao, tăng đến gần 6,8%. Đối với sản xuất công nghiệp, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng gần 5%, giá vật liệu xây dựng cũng đã tăng gần 2%...

"Đây đang là nguy cơ có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn trong thời gian tới mặc dù trong các tháng vừa qua chúng ta kiềm chế lạm phát tương đối tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã nhìn thấy khả năng tăng giá của nguyên vật liệu là có thật và cần có biện pháp kiểm soát lạm phát tốt, tránh lạm phát đẩy giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến, đồng thời lưu ý:

Vấn đề cần lưu tâm là, đi đôi với lạm phát, giá của một số mặt hàng tiêu dùng cũng có thể tăng trong thời gian tới, đặc biệt là giá các mặt hàng trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, đồ ăn uống có thể tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, cần có biện pháp quản lý tốt mới có thể kiềm chế được lạm phát.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước cho rằng, kìm mức lạm phát dưới 4% trong năm 2021 là nhiệm vụ hết sức khó khăn hiện nay khi hầu hết giá nguyên vật liệu trên thế giới đang tăng. Việc thiếu vỏ container, cước vận tải đường biển tăng sẽ đẩy giá nhập khẩu hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm sản xuất khi đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu đang có xu hướng phục hồi, giá vàng nhảy vọt… là những yếu tố tác động mạnh đến lạm phát.

 


Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, lạm phát trong quý I/2021 giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2016 do chi phí vận tải giảm và nhu cầu yếu. Tuy nhiên, giá dầu thế giới đang tăng trong xu hướng kinh tế toàn cầu phục hồi và tiêu dùng trong nước cũng tăng dự báo sẽ làm cho lạm phát tăng lên 3,8% trong năm nay và 4% trong năm 2022.


https://laodong.vn/kinh-te/du-bao-gia-hang-hoa-tieu-dung-co-the-tang-trong-thoi-gian-toi-906256.ldo

Theo VŨ LONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm