Kinh tế

Tài chính

Dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng ở mức cao nhất từ năm 2012

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tuần qua, nhiều ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh cơ bản 9 tháng, đến nay có thể đã định hình 2017 sẽ là năm kinh doanh tốt nhất về lợi nhuận của hệ thống ngân hàng kể từ năm 2012 đến nay.
Duy trì phong độ
Trong số 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước lớn, đã có 2 ngân hàng công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý 3, đó là Vietcombank và BIDV. Vietcombank hiện vẫn đang chiếm vị trí số 1 về lợi nhuận trước thuế (riêng lẻ) đạt 7.687 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ, cao nhất trong các ngân hàng tại Việt Nam. Cổ phiếu VCB liên tục nằm trong top 3 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất thị trường. 
​Vietcombank đã mua lại toàn bộ nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong năm 2016 nên tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,13%, giảm 0,4% so với đầu năm. 
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, trong 9 tháng qua, Vietcombank đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, bám sát diễn biến thị trường, quán triệt các phương châm và quan điểm chỉ đạo điều hành đã đề ra từ đầu năm. Toàn hệ thống đã nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những kết quả hết sức tích cực trên mọi mặt hoạt động như quy mô tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch đúng định hướng, chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, thu từ hoạt động phi tín dụng tăng mạnh...
Còn tại BIDV, lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng cũng đạt 6.002 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng của BIDV cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng (tăng 12,16%). Trong đó cho vay tổ chức kinh tế và dân cư đạt 828.007 tỷ đồng, tăng trưởng 14,4% so với đầu năm.
Lãnh đạo BIDV cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng tốt ngay từ đầu năm đã làm gia tăng nguồn thu ròng từ lãi, bên cạnh đó hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối cũng như thu nợ ngoại bảng tốt đã góp phần vào tăng trưởng kết quả kinh doanh 9 tháng của BIDV.
Bứt phá mạnh mẽ
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, sau kết quả quý 3, một loạt thành viên như VPBank, HDBank, TPBank, LienVietPostBank, OCB ... có sự bứt phá và trở lại thời hoàng kim.
Ba năm trở lại đây VPBank đang cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ mà chưa có đối trọng khác bám đuổi được trong cùng khối. Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng này đạt 5.635 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và đạt 78% kế hoạch đề ra trong cả năm.
Lãnh đạo VPBank cho biết, với đà phát triển như hiện nay, việc điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận từ mức 6.800 tỷ đồng đề ra hồi đầu năm lên 7.200 tỷ đồng sau quý 2 của VPBank là hoàn toàn có cơ sở.
Lãnh đạo ngân hàng này cũng nhấn mạnh: “Các chỉ số trên cho thấy chiến lược tập trung vào phân khúc bán lẻ, phục vụ khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngân hàng vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả cao. Đó là kết quả của hàng loạt các biện pháp mở rộng thị trường, nâng cao năng suất, giảm chi phí và kiểm soát rủi ro tốt theo tiêu chuẩn quốc tế.”
Có quy mô vốn và tổng tài sản thấp hơn, nhưng HDBank cũng đã có những đột phá từ lợi nhuận với mức tăng trưởng đột biến tới 279% đạt 1.912 tỷ đồng, trong đó HDBank riêng lẻ đạt 1.713 tỷ đồng. Thậm chí HDBank còn dự kiến lợi nhuận hợp nhất cả năm sẽ đạt khoảng 2.400 tỷ đồng.
Là “tân binh” mới lên sàn UPCoM, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của LienVietPostBank đạt 1.450 tỷ đồng, gần chạm mục tiêu 1.500 tỷ đồng của cả năm. Năm 2017 dự kiến sẽ làm năm lợi nhuận của ngân hàng này bứt phá mạnh sau 9 năm có mặt trên thị trường, nhất là sau hai năm liên dồn lực đầu tư cho kế hoạch mở loạt chi nhánh mới để phủ kín cả nước và đầu tư cho công nghệ.
Đầu tuần này thị trường cũng tiếp tục đón thêm nhiều ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu 2017, với ấn tượng vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Giao dịch tại TPBank. (Nguồn: TPBank)
Sau 5 năm nỗ lực bứt phá, TPBank đã trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng số, được công chúng và thị trường tín nhiệm cao. Với mức lợi nhuận đã đạt được qua 3 quý vừa qua cùng với sự bứt phá trong tốc độ kinh doanh quý 4, TPBank kỳ vọng sẽ vượt xa kế hoạch lợi nhuận đã đề ra, đứng trong hàng ngũ các nhà băng có lợi nhuận trên ngàn tỷ năm nay.
Đại diện Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng cho biết, OCB đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017 sau 9 tháng với mức lợi nhuận trước thuế đạt 789 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn thành 101%. Các chỉ số khác cũng đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cả năm cho thấy sự khả quan của OCB trong việc kết thúc thắng lợi năm tài chính 2017, trở thành một trong những ngân hàng về đích sớm nhất của năm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB chia sẻ: "Ngay từ đầu năm, OCB đã tăng tốc kinh doanh với mục tiêu 'Chinh phục đỉnh cao'. Với chiến lược kinh doanh rõ ràng và đặt mục tiêu phát triển an toàn bền vững, triển khai hàng loạt các dự án để nâng cao chất lượng dịch vụ, số hóa quy trình và tạo cộng đồng đối tác ưu đãi cho khách hàng…, OCB đã liên tục gặt hái những kết quả tốt ngay từ những tháng đầu năm và hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước quý 4 năm 2017.
Tại báo cáo về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tình hình lợi nhuận của hệ thống tổ chức tín dụng khá khả quan. Cụ thể, trong 9 tháng, lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống đạt khoảng 47.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh tới 15,8%, tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên (NIM) tăng lên mức 2,8% trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2,7%. Tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng/tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng cũng giảm từ 53% (năm 2016) xuống 49%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều ngân hàng tích cực xử lý nợ xấu, thị trường mua bán nợ xấu hoạt động sôi động. Do đó, một lượng lớn nợ xấu sẽ được xử lý giúp lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng vọt trong quý cuối cùng của năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo các ngân hàng cũng như nhà đầu tư hiện nay là việc nới lỏng tín dụng có thể gây ra tác dụng phụ là nợ xấu.
Đánh giá tích cực về lợi nhuận của các tổ chức tín dụng trong 9 tháng qua, mặc dù vậy, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra lời khuyên với các ngân hàng cần minh bạch hơn trong vấn đề sổ sách vì một số ngân hang đã đưa lãi dự thu để tính vào phần lợi nhuận 9 tháng.
“Hiện nhiều lãi dự thu là nợ xấu, họ đã không trả được tiền nhưng ngân hàng vẫn tính, khi hạch toán lãi đó thì lại trở thành tài sản của ngân hàng và làm ‘phồng’ tài sản có của các ngân hàng lên và như vậy thì đương nhiên lợi nhuận cũng sẽ được phồng lên theo như thế. Chính vì vậy, sổ sách của các ngân hàng cần phải minh bạch để có thể thẩm định được chính xác mức lợi nhuận,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiếu, thường cuối năm các ngân hàng mới tính chốt sổ và trích lập dự phòng đầy đủ, kết quả giữa này cũng phần nào phản ánh lợi nhuận của ngân hàng nhưng phải đợi đến cuối năm mới chính xác được.
Dù sao, với hàng loạt ngân hàng công bố nói trên, năm 2017 trở nên khác biệt khi lần đầu tiên kể từ sau năm kích cầu 2009 và nối tiếp đến 2012, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam mới trở lại tốc độ tạo lãi nhanh so với kế hoạch như vậy.
Thúy Hà (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm