Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Dù giảm tốc không mở, trượt khỏi đường băng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vụ cường kích Su-22 gặp sự cố khi đang bay huấn luyện, nguồn tin của Thanh Niên cho biết, liên quan đến việc không mở được dù giảm tốc, máy bay trượt ra khỏi đường băng.
 
Một chiếc cường kích Su-22 của Không quân Việt Nam. ẢNH: MAI THANH HẢI
Sự cố đối với cường kích Su-22 xảy ra vào khoảng 13 giờ 30 ngày 23.4 khi, máy bay Su-22 của Trung đoàn không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không, Không quân do trung tá Phan Thanh Hải (phi đội trưởng) điều khiển, hạ cánh xuống sân bay quân sự Yên Bái đã không mở được dù giảm tốc, trượt ra khỏi đường băng.
Vụ tai nạn này đã làm máy bay hỏng nặng.
Hiện chưa có thông tin thiệt hại về người. Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không, Không quân đã dừng toàn bộ các hoạt động bay để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Trước đó, tháng 7.2018, cường kích Su-22 số hiệu 8551 cũng của Trung đoàn không quân 921, Sư đoàn 371 đang trong quá trình thực hành diễn tập bắn ném cũng đã gặp tai nạn trên vùng trời Làng Dừa (xã Nghĩa Yên, H.Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Su-22 là loại máy bay do Liên Xô (cũ) sản xuất; được trang bị động cơ tuốc bin phản lực Lyuka AL-21F3. Su-22 có thể đạt tốc độ tối đa 1.860 km/giờ, bán kính chiến đấu hơn 500 km, trần bay hơn 14 km, vận tốc leo cao 230 m/giây.
Cường kích Su-22 được thiết kế với với 2 pháo 30 mm (tốc độ 80 phát/phút) đặt ở 2 cánh, 2 giá treo dưới cánh mang 2 tên lửa đối không R-60 (tầm bắn 8 km) và 10 giá treo (6 đặt ở dưới cánh và 4 đặt trên thân máy bay).
Trong tấn công mục tiêu mặt đất, Su-22 có thể mang được bom, rocket. Riêng biến thể Su-22M4 mang được cả vũ khí có điều khiển gồm: tên lửa không đối đất Kh-23; tên lửa đối đất/chống radar Kh-25; tên lửa chống radar Kh-28; tên lửa đối đất/đối hải Kh-29 và bom có điều khiển bằng lade, quang học. Su-22M4 cũng có thể lắp các cụm ống phóng rocket từ cỡ nhỏ tới cỡ lớn.
Thục Linh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm