Phóng sự - Ký sự

Du ký đất Lào - Bài 4: Đường về Xiengkhuang - Cánh Đồng Chum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ Luang Prabang, chúng tôi về Xiengkhuang. Để giảm tải cho chiếc Vitara, tôi và họa sĩ Đỗ Đức chuyển sang xe của cơ quan TTXVN tại Lào. Lại hành trình vượt đèo cao vách dựng.
Cung đường trên mây ở Xiengkhuang.

Cung đường trên mây ở Xiengkhuang.

Lượng xe chạy tuyến này khá nhiều. Nhiều xe tải trọng 30 - 40 tấn. Xe chở quặng, chở gỗ, nông sản ngược lên phía Bắc, xe chở hàng hóa, thiết bị, máy móc xuôi phía Nam. Với lưu lượng xe như vậy, đường xuống cấp là điều dễ hiểu. Nhiều chỗ cua đường tắc, xe chúng tôi phải nép vào sát vách núi để nhường cho các xe tải. Chỉ mong trời không mưa. Nếu mưa lớn, khó mà tránh cảnh tắc đường.

Nhưng trục trặc vẫn xảy đến. Ở một khúc cua hẹp, xe chúng tôi phải ép sát sang phải để nhường đường cho xe tải ngược chiều. Dù đang đỗ, chiếc Vitara do Ngô Hà Thái lái, vẫn bị chiếc xe tải ngược chiều cào rách phía đuôi! Đấy là chiếc xe chuyên dụng cỡ lớn, sàn xe là một tấm thép liền khối, hai bên có những cái móc, chuyên chở các thiết bị. Một cuộc tranh cãi độc đáo: Lái xe tải là người Trung Quốc, không biết tiếng Lào, tiếng Anh hay tiếng Việt. Ngô Hà Thái phải dùng điện thoại, dịch qua Google từng câu sang tiếng Trung Quốc và ngược lại, trong khi đường đã tắc lại tắc thêm, với nhiều bức xúc. Cuối cùng thì câu chuyện được giải quyết. Người lái xe Trung Quốc gom tất cả số tiền trong túi để bồi thường, cùng với tờ xác nhận lỗi và hợp đồng bảo hiểm trên đất Lào! Nhưng chiếc Vitara không có bảo hiểm ở đây, nên sau đó các thủ tục bảo hiểm không giải quyết được. Nắp bình xăng Vitara bị kẹt cứng do va chạm được sửa tạm để có thể đóng mở và mua xăng. Do thời gian không còn nhiều và cũng không có điểm dịch vụ, bữa trưa ấy, mấy anh em chỉ ăn lương khô, bánh gạo để chạy tiếp.

Bên một chum rất hiếm còn lại nắp.

Bên một chum rất hiếm còn lại nắp.

Chúng tôi kịp đến thị xã Phonxavan, tỉnh lỵ Xiengkhuang vào buổi chiều và đi thăm ngay Cánh Đồng Chum. Trời còn nắng đẹp. Thật là may vì nếu đợi đến sáng hôm sau, vùng núi thường có sương mù, phải gần trưa trời mới nắng. Đây là địa chỉ nổi tiếng ở Xiengkhuang. Trong nắng chiều, những chiếc chum cổ, mang thông điệp huyền bí từ thời tiền sử, nằm rải rác trên những triền đồi rộng, giữa những bãi cỏ xanh và rừng cây. Một quang cảnh rất ấn tượng. Địa điểm tham quan này gần thị xã Phonxavan nhất. Hầu hết khách du lịch đều đến đây.

Thăm Cánh Đồng Chum.

Thăm Cánh Đồng Chum.

Cánh Đồng Chum là một khu vực rộng, gồm hàng ngàn chum đá, nằm thành từng cụm dọc thung lũng và vùng đồng bằng thuộc cao nguyên Xiengkhuang. Theo các tài liệu khảo cổ, hơn 90 địa điểm có chum được phát hiện tại vùng này. Các chum có chiều cao khác nhau, đường kính từ 1 - 3 mét. Tất cả đều được chế tác từ đá. Chum có hình trụ, đáy lớn hơn miệng. Người ta cho rằng, các chum ban đầu đều có nắp đậy, mặc dù hiện tại rất ít chum còn nắp. Một số nắp chum được chạm khắc hình các loài động vật. Từ cuối những năm 1930, nhà khảo cổ Madeleine Colani (1866-1943), làm việc tại Viễn Đông bác cổ, người rất nổi tiếng với các phát hiện khảo cổ ở Việt Nam, đã cho rằng, những chiếc chum này liên quan đến hoạt động chôn cất thời tiền sử. Các nhà khảo cổ sau đó xác định rằng những chiếc chum ở đây có niên đại 1.500 đến 2.000 năm và coi Cánh Đồng Chum là một trong những địa điểm thời tiền sử quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Trong chiến tranh, người Mỹ đã nhiều lần rải bom ở khu vực này. Đến bây giờ, một số nơi vẫn không an toàn vì còn có bom chưa nổ. Buổi chiều ấy ở Cánh Đồng Chum, tôi theo dõi và ghi hình các em bé chạy chơi bên những chiếc chum cổ. Sự sống lưu truyền qua các thế hệ vẫn luôn tiếp diễn, từ xa xưa đến hôm nay và mai sau.

Đài kỷ niệm Liên minh chiến đấu Việt - Lào.

Đài kỷ niệm Liên minh chiến đấu Việt - Lào.

Từ Cánh Đồng Chum trở về, chúng tôi đến thăm đài tưởng niệm liên minh chiến đấu Việt - Lào. Hình ảnh hai người chiến sĩ Việt Nam và Lào sát cánh bên nhau, vũ khí trong tay, sẵn sàng xông lên phía trước. Đầu tưởng niệm được dựng ở đất Xiengkhuang, mảnh đất đã chứng kiến nhiều trận đánh lớn của các chiến tình nguyện Việt Nam cùng các bạn Lào, lập nên những chiến công vang dội trong cuộc chiến đấu chung vì độc lập tự do.

Một trong những chiến công ấy là chiến thắng của chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum -Xiengkhuang, diễn ra vào năm 1972. Trải qua 4 đợt chiến đấu, với 244 trận đánh lớn, nhỏ, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của mùa mưa, quân tình nguyện Việt Nam cùng với quân và dân Lào đã kiên cường, đánh lui các đợt tiến công của đối phương; giữ vững địa bàn chiến lược trọng yếu, bảo đảm thế liên hoàn vững chắc cho vùng căn cứ địa của cách mạng Lào. Thắng lợi của chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiengkhuang đã tạo thế và lực để các bạn Lào tiến tới ký kết hiệp định Viêng Chăn lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc; tiền đề quan trọng giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Kỷ vật chiến tranh được lưu giữ ở Craters Restaurant.

Kỷ vật chiến tranh được lưu giữ ở Craters Restaurant.

Chúng tôi đã thắp hương tại đài tưởng niệm, thành kính tưởng nhớ những người con ưu tú của hai dân tộc Việt - Lào đã ngã xuống vì sự nghiệp chung. Chúng tôi cũng dành thời gian thăm các nơi ở thị xã Phonsavan, một thành phố với những đẹp riêng trên một vùng đất lịch sử. Phonsavan có Craters Restaurant, chủ nhân là một người Việt, được trang hoàng bằng những vỏ bom và có cả một bộ sưu tập những loại vũ khí, bom mìn các loại từng hủy diệt sự sống trên mảnh đất này. Rất nhiều khách du lịch từ phương Tây, khi đến Xiengkhuang đều tìm đến quán Craters. Trong cái quán độc đáo này, chúng tôi cũng như các vị khách đều thấy vị đậm đà rất riêng của từng giọt cafe chậm rãi rơi trong một buổi sáng thanh bình ở vùng từng là nơi chiến tranh tàn phá.

Bài cuối: Từ Sầm Nưa đến Viengxay - Những trang ký ức

Có thể bạn quan tâm