Du lịch

Du lịch Nam Bộ linh hoạt thích ứng, xây dựng kế hoạch phục hồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngành du lịch các tỉnh Nam Bộ, từng doanh nghiệp du lịch đã có định hướng, kế hoạch chuẩn bị sản phẩm mới, chú trọng hoạt động liên kết, hợp tác, từng bước phục hồi trong giai đoạn bình thường mới.

 
Một góc khu du lịch làng nổi Tân Lập nhìn từ trên cao. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Một góc khu du lịch làng nổi Tân Lập nhìn từ trên cao. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt nhiều kết quả khả quan và chiến lược thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đang dần mở ra cơ hội phục hồi cho hoạt động du lịch ở các tỉnh, thành phía Nam sau thời gian dài “đóng băng.”
Giữ kết nối với du khách, quảng bá những điểm đến nằm trong “vùng xanh,” các địa phương cũng có phương án khởi động, xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm với mong muốn khôi phục hoạt động du lịch trong thời gian tới.
Tổ chức du lịch an toàn, mở dần từng điểm đến
Với nhiều dấu hiệu tích cực trong phòng, chống dịch COVID-19, tại Thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 19/9 vừa qua, ngành du lịch thành phố đã khởi động trở lại hoạt động du lịch bằng hành trình tour tri ân các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Khảo sát và chuẩn bị chu đáo các điều kiện đón du khách tại 2 điểm đến là huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi - nơi dịch đã được kiểm soát tốt, trở thành những "vùng xanh"- vùng bình thường mới, du khách và đội ngũ phục vụ tham gia tour đều đảm bảo các tiêu chí an toàn, phòng, chống dịch bệnh.
Tour thí điểm này đã diễn ra thành công, tạo được ấn tượng sâu sắc, góp phần lan tỏa hình ảnh các điểm đến du lịch hấp dẫn, đa dạng và đặc sắc của thành phố phương Nam, hứa hẹn là những địa chỉ thu hút du khách trong giai đoạn bình thường mới.
Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết trong quá trình khôi phục và mở cửa dần các hoạt động du lịch, thành phố cũng xác định lộ trình, giải pháp từng bước đi cùng với kế hoạch phục hồi các ngành kinh tế của cả thành phố.
Việc tổ chức các tour sẽ được thực hiện theo quy trình tổ chức du lịch an toàn, mở dần từng điểm đến và các điểm đến đều phải nằm trong “vùng xanh” theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng theo lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục giới thiệu, lan tỏa hình ảnh những điểm đến du lịch an toàn, nằm trong các “vùng xanh” an toàn dịch bệnh, sau các tour thí điểm dành riêng cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thí điểm các tour dành cho du khách là những người dân trên địa bàn thành phố khám phá, trải nghiệm các điểm đến hấp dẫn, vừa quen, vừa lạ sau giai đoạn dài giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.
Thời gian qua, dù các hoạt động du lịch bị ngưng trệ do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh duy trì nhiều thông tin về những điểm đến nổi bật, những giá trị văn hóa, nét đặc sắc của thành phố đến du khách.
Giữ kết nối với du khách, các công ty dịch vụ lữ hành, lưu trú thông qua các trang mạng xã hội thường xuyên đưa thông tin giới thiệu, quảng bá về các hành trình tour, điểm đến nổi bật, xu hướng du lịch thời gian tới đến du khách. Công ty cổ phần dịch vụ du lịch và thương mại TST với bản tin du lịch trên Fanpage của doanh nghiệp giới thiệu nhiều điểm đến hấp dẫn, theo từng địa phương, vùng miền, chủ đề, tạo ấn tượng cho du khách, đơn cử các chủ đề như Rảo bước Sài Gòn, Ngược dòng Hương Giang, Xuôi dòng Cửu Long...
Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist (thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist group) lại chọn xây dựng và giới thiệu đến du khách một số clip tham quan đặc sắc, ngắn gọn về các điểm đến khắp mọi miền đất nước và trên thế giới qua kênh Youtube của Saigontourist group.
Với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - địa phương nằm trong vùng Đông Nam Bộ có thế mạnh du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội chợ du lịch trực tuyến sẽ diễn ra trong những tháng cuối năm 2021.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hội chợ du lịch trực tuyến được tổ chức trên nền tảng sàn thương mại điện tử, góp phần lan tỏa, tăng khả năng quảng bá và tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước, nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch, định vị và duy trì thương hiệu du lịch một cách bền vững, khai thác các thị trường mục tiêu và mở rộng các thị trường tiềm năng cho du dịch Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tại hội chợ nhiều sản phẩm du lịch lữ hành, ẩm thực, lưu trú, sản phẩm thủ công truyền thống, sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ được giới thiệu, chào bán. Tính đến ngày 25/9, chỉ sau ít ngày khởi động sàn thương mại điện tử du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã có trên 50 doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Từ xứ dừa Bến Tre, ông Võ Văn Phong - Giám đốc Công ty truyền thông và du lịch C2T cho biết, mấy tháng qua dù không thể đón khách nhưng doanh nghiệp vẫn giữ liên hệ với du khách, giới thiệu và cung ứng nhiều đặc sản của quê hương Bến Tre cùng các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với quan điểm, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ vừa khai thác thị trường cũ vừa mở rộng thị trường mới, Công ty truyền thông và du lịch C2T đang tăng cường kết nối với du khách, giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ, trải nghiệm nổi bật qua các ứng dụng Facebook, Zalo, Youtube; qua đó tạo sự chú ý theo dõi, hứa hẹn sẽ có nhiều du khách đón nhận những hành trình tour, chương trình tham quan, trải nghiệm hấp dẫn trong thời gian tới.
Phát triển sản phẩm, tăng tính liên kết để từng bước phục hồi
Tin tưởng vào các giải pháp đồng bộ và tích cực đóng góp để cùng thích ứng, kiểm soát dịch COVID-19, ngành du lịch các địa phương, từng doanh nghiệp, chủ cơ sở dịch vụ du lịch cũng có những định hướng, lên kế hoạch chuẩn bị sản phẩm mới, chú trọng hoạt động liên kết, hợp tác để từng bước phục hồi trong giai đoạn bình thường mới.

Du khách khám phá homestay ở Cần Thơ. Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+
Du khách khám phá homestay ở Cần Thơ. Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+
Đề cập đến các giải pháp căn cơ, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thành phố là đô thị du lịch hàng đầu sống động châu Á.
Do đó, thời gian tới du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chủ lực và nhóm các sản phẩm tiềm năng, tạo sự khác biệt, nâng tầm du lịch thành phố, đó là các nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, ẩm thực, du lịch MICE (du lịch kết hợp hôi nghị, hội thảo), du lịch đường thủy, y tế, các hoạt động du lịch giải trí ban đêm…
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ chương trình liên kết du lịch với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Hà Nội, các địa phương khu vực Đông Bắc, Tây Bắc nhằm đa dạng hóa điểm đến, tạo sự mới mẻ, hấp dẫn trong các tour, tuyến, tăng sức hút với du khách.
Từ góc độ doanh nghiệp, theo thông tin từ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, với thông điệp “Tận hưởng bản sắc Việt,” doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ lữ hành, lưu trú, ẩm thực... chọn lọc những nét hấp dẫn, đặc sắc từ truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam để đưa vào chuỗi sản phẩm, dịch vụ mà đơn vị cung ứng, mang đến cho du khách ngày càng nhiều trải nghiệm, khám phá độc đáo.
Trong khi đó, tiếp tục chọn điểm nhấn là các sản phẩm dịch vụ tham quan, ẩm thực mang đậm nét văn hóa bản địa Đồng bằng sông Cửu Long, Giám đốc Công ty truyền thông và du lịch C2T Võ Văn Phong chia sẻ doanh nghiệp đang có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp tàu du lịch trên sông để thời gian tới đổi mới, đa dạng hơn các hoạt động dịch vụ phù hợp từng đối tượng du khách là nhóm nhỏ gia đình, bạn bè hay đoàn du lịch của các đơn vị thường lựa chọn các hoạt động gắn với đời sống người dân miệt vườn, sông nước, hoặc du khách là những doanh nhân đến và thưởng thức đặc sản ẩm thực kết hợp bàn thảo công việc ngay trên những chiếc tàu du lịch trong mênh mang sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.
Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+) 

Có thể bạn quan tâm