Du lịch

Du lịch Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đánh giá về tình hình du lịch 9 tháng đầu năm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Văn Tuấn cho rằng, du lịch Việt Nam đang từng bước cải thiện môi trường du lịch khi nạn chèo kéo, chèn ép, đeo bám, lừa đảo du khách thời gian qua đã được chấn chỉnh.
 

 

Sau 4 tháng đầu năm giảm sút về lượng khách quốc tế, bắt đầu từ tháng 5, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế tăng trở lại. Ngành du lịch không những đẩy lùi được tốc độ tăng trưởng âm (hết tháng 2 tăng trưởng khách quốc tế là -5%, đến hết tháng 4 là -2,6%) mà còn đạt tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Trong 4 tháng 5, 7, 8, 9 chúng ta đều duy trì mức tăng trưởng trên 20%.

Cụ thể, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9/2013 ước đạt 614.827 lượt, tăng 28,9% so với tháng 9-2012. Kết quả, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng của năm 2013 ước đạt 5.490.274 lượt, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2012; góp phần hoàn thành 76,25% so với mục tiêu đón 7,2 triệu lượt khách quốc tế năm 2013.

Cùng với đó, lượng khách du lịch nội địa cũng đạt mức tăng ấn tượng. Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 31 triệu lượt, tăng 11,0%.

Tổng thu từ khách du lịch trong 9 tháng ước đạt 152.800 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2012.

“Nếu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng này trong những tháng cuối năm thì đến hết năm 2013, ngành du lịch Việt Nam sẽ thu hút được 7,4 đến 7,5 triệu lượt khách quốc tế, về đích 2 năm trước kế hoạch đặt ra trong chiến lược phát triển du lịch", Tổng Cục trưởng Trần Văn Tuấn nhận định.

 

Một số thị trường khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2012 gồm: Nga tăng 65,9%; Trung Quốc tăng 37,0%; Thái Lan tăng 23,1%; New Zealand tăng 20,5%; Indonesia tăng 19,9%, Malaysia và Australia cùng tăng 12,5%.

9 tháng qua, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều sự kiện để phát triển, thu hút khách du lịch. Chưa bao giờ có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng lại được đưa vào hoạt động như trong thời gian qua, đặc biệt trong thời điểm kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam vẫn được quốc tế đánh giá cao. Trong đó phải kể đến việc Hà Nội lọt top 5 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á 2013, Đà Nẵng lọt top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu Châu Á 2013 do tạp chí Smart Travel Asia bình chọn. Đồng thời, nước ta có 3 bảo tàng được bầu chọn trong 25 bảo tàng hút khách nhất Châu Á.

Để có được kết quả tích cực trên, theo ông Tuấn đó là sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Có thể thấy rõ những hành động, biện pháp rất tích cực: TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai lực lượng bảo vệ khách du lịch, sắp tới Thành phố còn tiến hành lắp đặt hệ thống camera giám sát tại những điểm nóng về du lịch. Thanh Hóa đã thay thế lãnh đạo địa phương, yêu cầu niêm yết giá công khai và thành lập đoàn thanh kiểm tra liên tục các cơ sở nhà hàng dịch vụ. Hà Nội đã thành lập trung tâm hỗ trợ khách du lịch để nắm bắt thông tin, hướng dẫn du khách để có hỗ trợ kịp thời.

Ngành GTVT cũng chỉ đạo để có biện pháp mạnh mẽ để giám sát taxi, ngăn chặn tình trạng lừa gạt, bắt chẹt khách. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương do vậy để mang lại môi trường du lịch lành mạnh, hấp dẫn, an toàn cho du khách cần có sự phối hợp liên ngành từ Trung ương, tới địa phương. “Chỉ một mình chúng tôi thì không thể làm hết được”, ông Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch nói.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm