Du lịch

Du lịch Việt Nam nỗ lực phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng trong Năm Mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyển đổi số được nhận định rằng là một xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết nhằm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi, phát triển bền vững hơn trong bối cảnh mới.
Du khách trải nghiệm không gian hoàng hôn trên Bãi Trường, Kiên Giang, nơi được cho là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Du khách trải nghiệm không gian hoàng hôn trên Bãi Trường, Kiên Giang, nơi được cho là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Trải qua thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đang từng bước phục hồi để lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới bằng những giải pháp hiệu quả, thiết thực trong điều kiện bình thường mới.
Vượt khó để phục hồi trước ngưỡng cửa năm mới
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh.  
Thống kê cho thấy, tính chung năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm trước; lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, 90-95% dừng hoạt động; chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự.
Năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh chiếm trên 35% tổng số đã được cấp, phần còn lại dừng hoạt động. Các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động.
Lưu trú du lịch là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2021, hầu như các khách sạn không có khách, trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Công suất phòng trung bình cả năm ước tính chỉ đạt 5%.
Có tới 80% lao động tại các cơ sở lưu trú phải nghỉ việc, chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi ngành du lịch khôi phục lại.
Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng; bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống.
Năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.
Do không có khách du lịch, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan, di tích, khu vui chơi giải trí... đều thiệt hại, nhiều nơi đến nay vẫn chưa mở cửa lại hoàn toàn.
Tại nhiều địa phương, du lịch không còn vai trò là động lực thúc đẩy phát triển các ngành, nghề khác. Sản phẩm du lịch trước đây đã có thương hiệu, sức cạnh tranh cao cũng suy giảm nhiều về hình ảnh, năng lực cạnh tranh, hiệu quả đầu tư…
Trước tình hình đó, ngành du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện “mục tiêu kép,” phục hồi du lịch cả nội địa và quốc tế, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.
Với du khách trong nước, ngành thực hiện chương trình du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn.”
Nhờ đó, hoạt động du lịch tại các địa phương đã bắt đầu khởi sắc, du lịch nội địa đang từng bước phục hồi. Hà Nội đón 4 triệu lượt khách; Đà Nẵng đón 1,1 triệu lượt; Lâm Đồng đón 2,2 triệu lượt; Quảng Ninh đón 4,3 triệu lượt; Ninh Bình đón 1,3 triệu lượt; Thanh Hóa đón 3,4 triệu lượt…
Tháng 11/2021, những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đã đến Quảng Nam, Phú Quốc và Khánh Hòa theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế trở lại Việt Nam sau thời gian dài “đóng băng.”
Dự kiến đến hết tháng 12/2021, du lịch Việt Nam sẽ đón được 3.000-3.500 khách du lịch quốc tế. Sang tháng 1/2022, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đón khách du lịch quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakstan, Thái Lan và Ấn Độ…
Phục hồi và phát triển phải đảm bảo an toàn
Tại Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển,” các chuyên gia đóng góp ý kiến nêu quan điểm, định hướng, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Khu du lịch Sin Suối Hồ, Lai Châu. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
Khu du lịch Sin Suối Hồ, Lai Châu. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh 5 quan điểm phục hồi và phát triển du lịch. Đó là phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới phải bảo đảm môi trường an toàn, xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững.
Phục hồi và phát triển du lịch phải đổi mới so với thời kỳ trước đại dịch, khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực, sáng tạo sản phẩm mới thích ứng với xu thế mới; năng động trong tổ chức, quản lý và vận hành để làm chủ tình hình.
Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để tạo ra sự đổi mới và đột phá cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới. Năng lực, chất lượng của hệ thống doanh nghiệp du lịch là trụ cột quan trọng để phục hồi, tiến tới phát triển.
Công nghệ là xu thế tất yếu trong bối cảnh mới; chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ không tiếp xúc là những yếu tố tiên phong tạo đổi mới để phù hợp với bối cảnh mới…
Theo ông Zurab Pololikashvili, Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), đại dịch đã thúc đẩy sự quan tâm của du khách tới những trải nghiệm độc đáo và chân thực. Điều này mở ra cơ hội cho các điểm đến để đa dạng hóa ngành du lịch.
Riêng với Việt Nam, đây là cơ hội để khai thác nhu cầu du lịch nội địa đang tăng trưởng mạnh mẽ. Đồng thời, Việt Nam cũng có cơ hội thể hiện mình là điểm đến an toàn và đa dạng; tiếp thị và xây dựng thương hiệu có thể giúp tiếp cận được nhiều khách hàng mới và phát triển tốt hơn…
Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng về ngắn hạn, nhiệm vụ chính của ngành du lịch là nên tập trung vào khắc phục hậu quả, phục hồi ngay trong và sau đại dịch.
Điều cần làm ngay là khuyến khích phục hồi du lịch nội địa trước ngay dịp Tết và đầu năm 2022; có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn, thỏa thuận mở cửa biên giới với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp, nghiên cứu áp dụng các mô hình như “Bong bóng du lịch,” “Làn xanh du lịch”; xem xét mở cửa đường bay quốc tế đi-đến các điểm, quốc gia an toàn trong điều kiện cho phép; có chương trình kích cầu du lịch nội địa cụ thể.
Cần sớm sơ kết chương trình thí điểm mở của du lịch của Phú Quốc, Hội An… để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Các giải pháp kiểm soát và thích ứng dịch bệnh cần xem xét ở cả ba phía: Điểm du lịch, khách du lịch và hướng dẫn viên.
Chuyển đổi số là yếu tố sống còn
Chuyển đổi số được nhận định rằng là một xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết nhằm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi, phát triển bền vững hơn trong bối cảnh mới.

Hệ thống du lịch ảo VR360 giới thiệu về các điểm du lịch của Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Hệ thống du lịch ảo VR360 giới thiệu về các điểm du lịch của Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết một trong những giải pháp, nhiệm vụ giai đoạn 2022-2023 của ngành là thúc đẩy xu hướng du lịch không tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó là việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong sáng tạo và xây dựng sản phẩm mới nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp ở những khâu có thể, tạo điều kiện tăng cường truy vết khi xuất hiện dịch bệnh thông qua các quy định cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh, chứng nhận y tế điện tử.
Ngoài ra, ngành còn phát triển các bốt thông tin điện tử chỉ dẫn tại các điểm du lịch, ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong trải nghiệm du lịch, công nghệ AI trong hỗ trợ du khách, trang web, app hỗ trợ trực tuyến khi cần thiết...
Bà Trần Nguyện (Tập đoàn SunGroup) chia sẻ tình cảnh ngặt nghèo của du lịch trong đại dịch đã buộc các cường quốc về du lịch, doanh nghiệp du lịch phải đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ.
Đồng thời giải đáp các bài toán “đau đầu” về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm, điểm đến, đem đến cho du khách những trải nghiệm số hấp dẫn...
Mô hình kinh doanh du lịch hiện đại và các kênh đại lý du lịch trực tuyến ngày càng phổ biến, điển hình là sự bùng nổ của các “ông lớn”: Booking, Agoda, Expedia, Traveloka, Klook... Hàng loạt các loại hình du lịch ứng dụng công nghệ số ra đời...
Trong vài năm trở lại đây, việc áp dụng công nghệ vào công tác quảng bá tiếp thị, đặt tour, đặt phòng khách sạn ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Năm 2018, đặt chỗ trực tuyến đã chiếm đến 19% tổng số tour và quy mô thị trường. Sự xuất hiện của COVID-19 càng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số của du lịch Việt Nam nhằm thích nghi linh hoạt với dịch bệnh.
Dù gặp nhiều khó khăn song cũng cho thấy những cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch khi chuyển đổi số đón đầu thời kỳ "bình thường mới" sau đại dịch.
Theo đánh giá của Outbox Consulting (Công ty chuyên cung cấp các giải pháp nghiên cứu và tư vấn chuyên sâu cho ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam) trong báo cáo “Xu hướng du lịch Việt Nam 2021”: Công nghệ sẽ là yếu tố hàng đầu giúp du khách có lại tự tin khi đi du lịch trong năm 2021.
Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung triển khai các giải pháp hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh với các khối sản phẩm công nghệ được thiết kế dành cho  chủ thể chính trong ngành gồm khách du lịch, doanh nghiệp, cơ quan quản lý.
Hệ sinh thái gồm các ứng dụng, phần mềm và dịch vụ ứng dụng, nền tảng cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin. Nổi bật là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” dành cho khách du lịch với những tính năng ưu việt nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch như bản đồ số du lịch an toàn, tờ khai y tế, chứng nhận tiêm chủng vaccine, đánh giá an toàn điểm đến, phản ánh tới cơ quan chức năng.
Không chỉ các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam rất chủ động trong việc chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới. Chuyển đổi số cũng hỗ trợ đắc lực cho việc giới thiệu, quảng bá, chuyển đổi số được coi là tương lai của ngành "công nghiệp không khói".
Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm