Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch xoay theo dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến ngành du lịch điêu đứng. Các doanh nghiệp tiếp tục xoay xở, tìm cách duy trì hoạt động chờ cơ hội
Những ngày này, thay vì chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch hè lớn và kéo dài nhất trong năm - được ví như "mùa vàng" của ngành du lịch nội địa thì nay doanh nghiệp (DN) lại đang tất tả hủy, hoàn, dời lịch trình tour cho khách.
Linh động dời tour, hoàn vé
"Những thông tin dồn dập về dịch bệnh khiến không khách nào dám đăng ký tour mới mà liên hệ chỉ để dời, hủy, hoàn tour, DN cũng lo sốt vó" - giám đốc một công ty du lịch ở TP HCM chia sẻ.
Tại nhiều công ty du lịch khác, khách cũng hỏi tình hình tour để cân nhắc, quyết định. Nhân viên các công ty lữ hành cũng tất bật nghe điện thoại, làm việc với đối tác cung cấp dịch vụ du lịch để xử lý tour cho khách.
"Bận rộn như mọi ngày nhưng là bận rộn theo nghĩa buồn. Du lịch lại một lần nữa chịu "cú đấm" vì dịch Covid-19 ngay giữa thời điểm kỳ vọng nhất cho mùa hè tới của thị trường nội địa" - vị giám đốc công ty này buồn rầu nói.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho hay Hà Nội, Đà Nẵng đã cấm tụ tập trên 30 người. Đầu tháng 6 này, công ty có 2 đoàn trên 200 khách tới 2 điểm đến này nên đang đàm phán hủy. Căng nhất là hàng không, khi DN đã đặt cọc hết vé máy bay cho những chuyến sắp tới, giờ phải thương lượng dời, hoàn lại.
Tại Công ty TST tourist, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông, cho hay với một số đoàn khởi hành đầu tháng 5, công ty đã cùng khách hàng lên phương án dời ngày khởi hành.
"Công ty không khuyến khích khách hủy tour mà tư vấn để khách an tâm về chính sách bảo lưu tài chính, vì khách chỉ lo ngại mất tiền cọc, tiền tour đã mua... Nếu khách vẫn muốn đi, sẽ lên phương án thời gian, địa điểm thích hợp và an toàn" - ông Mẫn cho hay.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, nói không chỉ Lữ hành Fiditour mà các công ty du lịch khác đều có lượng khách lẻ và khách đoàn đặt rất khởi sắc trong tháng 4 với lịch khởi hành cho mùa hè tới. Nhưng tình hình dịch hiện nay lại đẩy DN vào thế khó và phải xoay xở.
Từ khi có ca nhiễm trong cộng đồng được công bố đến nay, lượng khách đăng ký tour mới tại Công ty Vietravel đã giảm. Theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, công ty đã chủ động ngưng các tour đến miền Bắc và Đà Nẵng đến hết tháng 5-2021 hoặc cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.
"Đa số khách hàng đồng ý chuyển sang địa điểm an toàn ở khu vực Nam Trung Bộ, Phú Quốc hay miền Tây Nam Bộ. Với khách đã quen thuộc điểm du lịch tại khu vực phía Nam thì đồng ý bảo lưu lại chi phí bằng hình thức coupon (mã giảm giá) và chọn thời gian du lịch sau" - bà Khanh nói.

Du khách tham quan TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Du khách tham quan TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Chờ cơ hội để hồi phục
Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất qua các đợt dịch Covid-19 nhưng cũng là ngành có cơ hội hồi phục tốt ở thị trường nội địa, ngay khi dịch được kiểm soát. Bằng chứng là chỉ trong tháng 4 - thời điểm dịch được kiểm soát tốt trên cả nước, du lịch nội địa đã khởi sắc, hàng không tăng chuyến, DN nườm nượp đưa khách đi tour...
Do đó, ở đợt dịch này, các DN cũng kỳ vọng Chính phủ sớm kiểm soát dịch và họ sẵn sàng chờ cơ hội để hồi phục. Một điểm thuận lợi theo các công ty là ở đợt dịch đầu, DN thường phải chủ động thông tin, cập nhật cho khách hàng về diễn biến dịch nhưng đến giờ khách hàng đã chủ động và có rất nhiều kênh thông tin chính thống thường xuyên khuyến cáo, cung cấp về tình hình dịch bệnh.
"Chúng tôi cũng có phương án với khách hàng, nhà cung cấp trong trường hợp dịch bệnh xảy ra để xử lý bảo đảm lợi ích cho các bên. Du lịch hè được các DN mong đợi bởi nó quyết định sự sống còn của rất nhiều công ty nên nếu dịch sớm kiểm soát tốt, du lịch vẫn có hy vọng đón khách hè này" - ông Trần Thế Dũng nói.
Đã kín khách đặt tour và dịch vụ trên tàu du thuyền 5 sao trong tháng 5 ở vịnh Hạ Long nhưng đến giờ thì toàn bộ lịch trình, tour của Lux Group phải hủy.
"Tháng 5 này coi như bỏ nhưng chúng tôi vẫn làm việc bình thường và chuẩn bị cho ngày trở lại sớm khi dịch được kiểm soát. Những nhân viên làm việc ở bộ phận trực tiếp đón khách, khai thác tour sẽ tạm thời nghỉ, còn bộ phận bán hàng, marketing, liên hệ với đối tác... vẫn làm việc bình thường. Dịch tái phát nhưng cả DN lẫn khách hàng đều có kinh nghiệm nên không còn hoảng loạn như trước" - ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, nói.
Tại Vietravel, để xoay xở trong dịch, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh cho hay công ty đang tập trung vào loại hình gói dịch vụ (bao gồm xe/vé máy bay và khách sạn), dòng sản phẩm caravan (du lịch bằng xe riêng), trekking, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và dòng sản phẩm cao cấp. Các điểm đến đưa vào phục vụ cũng tập trung vào các vùng an toàn. 
Doanh nghiệp cạn vốn
Ông Phạm Minh Quang, Giám đốc Dolphin Tour, cho hay đến 90% số tour trong tháng 5 đã bị khách báo hủy, tour tháng 6 thì khách còn đang lưỡng lự chưa quyết định do chưa có chính sách hỗ trợ của các hãng hàng không. "Qua 4 đợt dịch thì các công ty du lịch cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối phó khi tình hình diễn biến phức tạp. Chúng tôi đã rất cố gắng để hỗ trợ khách nhưng đến giờ thì cũng cạn nguồn, khó có thể hỗ trợ thêm. Giờ các hãng hàng không hỗ trợ thế nào, chúng tôi sẽ thông báo cho khách như vậy" - ông Quang nói.
Giám đốc Công ty Du lịch Pattours Vũ Giang Biên cũng cho hay khoảng 80%-90% lượng khách của công ty yêu cầu hủy tour trong tháng 5. Hiện công ty đang chờ sự phối hợp từ các hãng hàng không để hỗ trợ du khách.
Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist - cho biết các đơn vị trong Câu Lạc bộ Lữ hành Hà Nội cùng chung tình trạng về số lượng khách đoàn hủy chuyến khá cao. Các công ty đang nỗ lực phối hợp với các DN hàng không, vận chuyển, lưu trú để giải quyết cho du khách. Các DN du lịch Hà Nội đang thương lượng để khách hàng tạm lùi thời gian du lịch hoặc chuyển sang hình thức du lịch khác phù hợp hơn.
Y.Anh
Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm