Du lịch

Du ngoạn Biển Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào google có thể tìm thấy hàng ngàn bức ảnh đẹp về Biển Hồ. Ở mỗi khoảnh khoắc: khi bình minh, lúc chiều tà, giữa ngọ… Biển Hồ lại có một vẻ đẹp khác, gợi những nỗi niềm không giống nhau. Có lẽ vì vậy nên nếu du khách chỉ ghé đến một lần, sẽ khó để cảm nhận hết “viên ngọc bích” này.

Du ngoạn lòng hồ

Sau gần 25 năm được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cấp bằng Di tích Danh thắng quốc gia (tháng 11-1988), Biển Hồ trở thành điểm du lịch không thể không ghé thăm mỗi khi đến Gia Lai. Nhưng hiện nay, khu vực đài cao-nơi du khách thường đứng đó, phóng tầm mắt bốn phía chiêm ngưỡng vẻ đẹp lãng mạn đến mơ màng của hồ nước-đã bị hư hỏng. Và một rào chắn được dựng lên, ngăn bước chân người…

 

Du ngoạn lòng hồ. Ảnh: H.N
Du ngoạn lòng hồ. Ảnh: H.N

Không thể ngắm toàn vẹn lòng hồ từ trên cao, cũng không có điều kiện bộ hành xung quanh lòng hồ rộng đến 230 ha này, nhiều người chọn hình thức du ngoạn lòng hồ bằng xuồng máy. Không biết dịch vụ này có từ khi nào, chỉ thấy dưới bóng một cây liễu rủ ven hồ, một chiếc xuồng máy cỡ nhỏ được trang bị sẵn áo phao chờ đón khách. Người thanh niên phụ trách việc đưa đón khách lịch sự mời chào: “Các bạn đi 4 người tôi chỉ lấy 200 ngàn đồng một vòng.

Nếu còn sớm thì giá khác, 300 ngàn đồng-500 ngàn đồng tùy số người”. Nhớ trong nhiều cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trong và ngoài tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định không thể mở dịch vụ du ngoạn khu vực này bằng xuồng máy để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho thành phố. Nhớ vậy, nhưng sự mời gọi từ mênh mang sóng nước ngoài kia thật khó cưỡng lại.

Tiếng phành phạch đến nhức tai của chiếc xuồng máy cũ kỹ vẫn không xóa tan sự vắng lặng đến rợn ngợp khi ra giữa hồ. Nắng gần giữa ngọ không thể xua tan hơi nước lạnh ẩm, khiến ai đó phải so vai. Hai bên bờ, thông xanh điệp trùng soi bóng xuống dòng nước biếc. Trời, nước, cỏ cây tuyền một màu xanh. Một chiếc thuyền nhỏ đơn độc phía xa, nằm giữa màn trời nước tĩnh lặng như một sự ăn năn. Ai còn nhớ đây là miệng núi lửa ngừng phun từ hàng triệu năm trước. Và ai còn nhớ đến những huyền tích buồn gắn với lịch sử hình thành của “đôi mắt Pleiku”. Chỉ còn lại nỗi cô đơn cùng muôn trùng sóng nước. Nhưng tuyệt không buồn.

 

Biển Hồ. Ảnh: Nguyên Phương
Biển Hồ. Ảnh: Nguyên Phương

Theo lời người thanh niên chở khách, nhiều đoàn khách rất thích hình thức du ngoạn này. Trên bờ họ ồn ào là thế nhưng ra đến “khơi xa” họ lại rất lặng im. Có lẽ, giữa mênh mang trời nước, con người mới thấm thía tận cùng sự nhỏ bé, hữu hạn đời người…

Thờ ơ với ngọc quý

“Anh có biết hoạt động này không được phép không?”-“Tôi không biết, chỉ biết là khách rất thích. Tôi thấy họ được thư giãn, họ hạnh phúc, họ thỏa mãn khi được lang thang cả tiếng đồng hồ để ngắm cảnh từ giữa Biển Hồ”-người thanh niên bày tỏ. Hỏi ai là chủ của chiếc xuồng máy, người thanh niên ấp úng và lảng sang chuyện khác.

Biển Hồ được gắn với nhiều mỹ từ thể hiện sự ngưỡng vọng của con người với danh thắng được thiên nhiên ban tặng riêng trên dãy Trường Sơn điệp trùng. Hiển nhiên, trong con mắt của người làm du lịch, đây là địa danh tiềm năng, mang lại lợi nhuận. Nhưng cho đến nay, ngoài việc giữ chân du khách dăm bảy phút chỉ để ngắm nghía, cảm nhận từ bên ngoài, Biển Hồ hầu như chưa có hoạt động nào để móc hầu bao của du khách.

Anh Dũng- hướng dẫn viên du lịch, Công ty Du lịch Thanh niên xung phong TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự tiếc nuối: “Có thể mở nhiều dịch vụ gắn với lòng hồ rộng lớn này, vừa để thu hút khách du lịch, vừa mang về lợi nhuận cho ngành du lịch và việc làm cho người dân quanh vùng. Nhưng tiếc là mỗi lần dẫn khách tới đây, tôi thấy mọi thứ vẫn y như cũ”.

 

Ảnh: Hoàng Ngọc
Ảnh: Hoàng Ngọc

Nhiều đại diện của các công ty dịch vụ lữ hành có đồng suy nghĩ trên. Giám đốc một doanh nghiệp có gần 20 năm kinh doanh dịch vụ lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh bày tỏ: “Ở nhiều quốc gia, người ta bỏ ra số tiền khổng lồ để tạo ra danh thắng thu hút khách du lịch. Còn Biển Hồ Gia Lai, tự thân nó đã quá hoàn hảo, quá đẹp và đầy tiềm năng. Nếu sợ ô nhiễm nguồn nước mà bỏ phí tiềm năng này thì thật đáng tiếc. Dùng ca nô, xuồng máy sợ chất thải, có thể dùng thuyền độc mộc hay các loại thuyền không có máy mà chèo tay.

Còn về phía du khách, tôi khẳng định, họ ngày càng có điều kiện, dân trí cao, họ cư xử với những danh thắng thiên nhiên rất văn minh. Nếu đa dạng hóa các dịch vụ du lịch tại Biển Hồ, số tiền thu được không nhỏ, và tất nhiên, thừa điều kiện để có các hoạt động bảo vệ môi trường. Đừng vin vào bất kỳ điều gì mà thờ ơ với một viên ngọc quý như thế”.

Tất nhiên đó chỉ là những gợi ý cho ngành du lịch Gia Lai. Tuy vậy những gợi ý ấy không phải không có lý, nhất là từ những người làm du lịch lâu năm và mong muốn đưa du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong phát triển kinh tế-xã hội.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm