Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới không quy định trường hợp thu hồi khi có 80% người có đất thu hồi đồng ý như trong dự thảo trước đó.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn |
Trong phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội diễn ra trong ngày 29.9, khi tiến hành thẩm tra dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết: Đây là dự thảo mới được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thẩm tra sơ bộ của Ủy ban kinh tế, ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho biết: Hồ sơ dự án Luật đã được bổ sung phần thuyết minh, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là đã so sánh tính thống nhất với các luật khác có liên quan.
So với dự thảo được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề ngày 22.9 vừa qua thì dự thảo lần này đã có một số thay đổi.
Cụ thể, Điều 70 của dự thảo cũ quy định Nhà nước thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (trong đó có phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại và dự án khác) khi trên 80% người có đất đồng ý. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ, Chủ tịch Quốc hội, dự thảo mới không còn quy định "thu hồi khi có 80% người có đất thu hồi đồng ý".
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, dự thảo đã quy định rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là: Các dự án phát huy nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, phân bổ công bằng, hài hòa giá trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhằm phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
“Đây là những quy định mang tính phổ quát”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, quy định điều kiện thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để Nhà nước thu được giá trị tăng thêm điều tiết lợi ích tổng thể cho toàn xã hội và người sử dụng đất; thực hiện điều tiết thị trường thông qua quan hệ cung - cầu...
Đối với dự án lấn biển phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động khoáng sản.
Trao đổi thêm với Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tán thành liên quan tới việc bỏ quy định trường hợp thu hồi khi có 80% người có đất thu hồi đồng ý. Theo ông Châu, đây là một điểm rất mới đã được tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và dư luận xã hội khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
HoREA cũng đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất, bao gồm dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư dự án; hoặc trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất, bao gồm dự án đô thị, nhà ở thương mại cho phép nhà đầu tư được tự thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Theo Vương Trần (LĐO)