Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) chữa "bệnh" chậm giải ngân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) với một số điểm mới đang được kỳ vọng sẽ là “phương thuốc” hữu hiệu trong việc “điều trị” căn bệnh chậm giải ngân. 
Hầu như năm nào, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng bị chậm. Chẳng hạn, năm 2016, theo báo cáo của UBND tỉnh, với số vốn hơn 2.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước giao, đến tháng 12-2016, công tác xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh chỉ thực hiện được 71,5% kế hoạch, giải ngân đạt 68,3% kế hoạch. Cuối năm 2017, khối lượng thực hiện 1.727 tỷ đồng/2.604 tỷ đồng, đạt 66,33% kế hoạch, giải ngân 1.764 tỷ đồng, đạt 67,75% kế hoạch. Năm 2018, tính đến ngày 31-8, khối lượng thực hiện cũng chỉ hơn 1.088 tỷ đồng, đạt 32,68% kế hoạch; giải ngân 1.381,6 tỷ đồng, đạt 41,5% kế hoạch…
Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hà Duy
Tại các cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản hàng tháng, hàng quý và cuối năm, những nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải ngân cũng đã được “điểm mặt, chỉ tên”. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do sự phối hợp chưa tốt giữa địa phương với các sở, ngành trong khâu thẩm định dự án, thiết kế, dự toán, giải phóng mặt bằng. Một số đơn vị thi công hạn chế về năng lực; sự phối hợp giữa chủ đầu tư và nhà thầu thiếu đồng bộ trong việc lập các hồ sơ thanh toán, giải ngân; một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong quản lý dự án... Theo ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Trong công tác chuẩn bị đầu tư, việc lập dự án chậm trễ và kéo dài. Một số dự án khởi công mới thiết kế bước 2 còn chậm. Ngoài ra, một số dự án thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương đầu tư cho các chương trình mục tiêu bố trí vốn hàng năm chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. 
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị đánh giá giữa kỳ kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh tổ chức mới đây, một số đại biểu cho rằng, việc giải ngân chậm tiến độ một phần do những quy định liên quan đến Luật Đầu tư công. Theo ông Đinh Lâm Tấn-Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Luật Đầu tư công ra đời trong thời điểm quá độ (năm 2015) nên khi triển khai có những hạn chế khó tránh, có một số quy định cứng nhắc hoặc chưa đầy đủ dẫn tới tình trạng các quy định không đáp ứng được thực tiễn, nhất là trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bất cập trong việc điều chỉnh dự án... Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đầu tư công là vô cùng cần thiết.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có một số điểm mới như: chỉ thực hiện thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở cấp Trung ương đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng; đối với các dự án khác, việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được lồng ghép vào thủ tục thẩm định dự án. Dự thảo luật cũng quy định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư sẽ theo hướng tổ chức, cá nhân nào quyết định chủ trương đầu tư thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư làm tăng quy mô, thay đổi phân loại chương trình, dự án, thì cấp có thẩm quyền tương ứng với phân loại chương trình, dự án sau điều chỉnh sẽ quyết định. Thực hiện như vậy một mặt không phức tạp, mặt khác vẫn tránh được tình trạng phê duyệt điều chỉnh một cách tùy tiện.
Những điều chỉnh trong Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tạo thuận lợi và hiệu quả trong triển khai và quản lý các dự án đầu tư công, đảm bảo công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí, dàn trải. Và tất nhiên, cũng sẽ chấm dứt cảnh “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm